Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, dữ liệu cá nhân như tên, địa chỉ nhà, email, số điện thoại… cũng trở nên có giá trị. Việc thu thập phát tán như đang xảy ra với hệ thống Thế giới Di động đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của nhiều người. Vậy hành vi phát tán dữ liệu cá nhân như trên sẽ bị xử phạt ra sao?
Theo các luật sư, hành vi vi phạm này có thể xử lý hình sự về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính theo điều 288 Bộ luật hình sự. Cụ thể, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Dẫn đến biểu tình thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Căn cứ quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự, điều 6 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, tổ chức phải được cá nhân, tổ chức đồng ý.
Tại điều 387 Bộ luật dân sự quy định trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
Về chế tài, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người làm lộ thông tin bí mật của hành khách có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính, theo điều 65 nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc tiêu hủy dữ liệu chứa thông tin của người tiêu dùng. Nếu thông tin liên quan đến bí mật cá nhân người tiêu dùng thì người vi phạm bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt trên