Vụ 34 hộ dân bị thu hồi đất: UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Liên quan đến vụ 34 người dân bị thu hồi đất nhưng không được đền bù thỏa đáng tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, sau nhiều lần chỉ đạo nhưng không hiệu quả, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 1076 nhắc nhở Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trường hợp UBND huyện Chư Sê còn để xảy ra việc dân kiến nghị vượt cấp sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết công việc.

Chú thích ảnh
 Nhiều hộ dân khốn khó vì đất bị thu hồi, không có điều kiện làm ăn, sinh sống. 

Cụ thể, lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Chư Sê phải đối thoại, làm việc trực tiếp với 34 hộ dân rơi vào vòng khốn khó khi bị thu hồi 23,4 ha đất từ cuối năm 2018 nhưng chưa được bồi thường. Mặc dù vừa qua, huyện Chư Sê đã lên phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân, tuy nhiên, phương án bồi thường vẫn còn gây thắc  mắc với người dân.

Ngày 18/5, UBND huyện Chư Sê đã có công văn số 915 về việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng dự án khu dân cư xã Dun và xã Ia Pal nhưng chỉ công bố trên cổng thông tin điện tử của huyện Chư Sê, không làm việc trực tiếp, đối thoại, trao đổi thông tin với người dân.

Theo phương án bồi thường này, giá trị tài sản trên diện tích đất 23,4 ha thu hồi của 34 hộ dân là 13,167 tỷ đồng. Trong đó, giá trị vật kiến trúc hơn 1,6 tỷ đồng; tiền hỗ trợ ổn định đời sống hơn 675 triệu đồng; tiền cây cối, hoa màu hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, UBND huyện Chư Sê lại cho rằng, các hộ dân này chỉ đủ điều kiện bồi thường hơn 4,4 tỷ đồng; hơn 8,7 tỷ đồng là giá trị các tài sản và cây cối không đủ điều kiện xem xét, bồi thường.

Về vụ việc trên, từ đầu năm 2020, số hộ dân này đã làm đơn kiến nghị trực tiếp đến Ban tiếp dân UBND tỉnh Gia Lai và được đối thoại, hướng dẫn quy trình làm việc. Theo đó, UBND tỉnh đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu UBND huyện Chư Sê tổ chức làm việc, đối thoại với dân, tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê vẫn "phớt lờ" chỉ đạo của UBND tỉnh dẫn đến việc người dân bức xúc, tập trung đông người tại UBND tỉnh Gia Lai đòi quyền lợi.

Đơn cử như văn bản số 498 ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh Gia Lai giao xử lý đơn thư của các hộ dân này cho UBND huyện Chư Sê; văn bản số 1041 ngày 13/5/2020 của UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND huyện Chư Sê xây dựng lại phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng trên diện tích 23,4 ha theo nguyên tắc đảm bảo việc hoàn trả lại ngân sách nhà nước đối với phần giá trị tài sản do Nhà nước đầu tư, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân đối với phần các hộ dân đầu tư trên đất. Mới đây là văn bản số 1076 ngày 19/5 của UBND tỉnh Gia Lai nhắc nhở Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 1041 mà UBND tỉnh đã ban hành ngày 13/5.  

Như TTXVN đã đưa tin, cuối năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai ra Quyết định 102 thu hồi hơn 190 ha đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Gia Lai (nay là Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai) giao cho UBND huyện Chư Sê sử dụng; trong đó, có phần 23,4 ha của 34 hộ dân tại địa phương đã có hợp đồng giao khoán, đầu tư trên đất trước đây với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Gia Lai.

Ngày 11/2/2019, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã ký duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tài sản trên đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Gia Lai với số tiền hơn 9,9 tỷ đồng. Sau đó, UBND huyện có thêm một báo cáo tăng kinh phí hỗ trợ lên hơn 12,5 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 tỷ đồng so với phương án đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, ngày 20/2/2020, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã ký thông báo số 38 với nội dung: Phần diện tích 23,4 ha do địa phương tiếp nhận, quản lý từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Gia Lai chỉ có giá trị 7,3 triệu đồng trên sổ sách. Do đó, các loại tài sản khác mà người dân nhận khoán chăm sóc, trồng trọt, tạo lập thêm sẽ không được bồi thường. Quá bất bình, 34 hộ dân trên đã làm đơn kiến nghị nhưng nhiều lần UBND huyện Chư Sê không tiếp nhận đơn, không gặp gỡ đối thoại với dân, còn có văn bản hướng dẫn các hộ dân này kiến nghị lên UBND tỉnh Gia Lai hoặc khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Điều đáng nói, sau khi có quyết định thu hồi đất vào năm 2018, các hộ dân trên đã không chăm sóc cây trồng để tiến hành thủ tục giao đất cho địa phương nên diện tích cây trồng này đã chết khô. Cũng từ đó, hàng chục hộ dân rơi vào cảnh khốn khó, bố mẹ đi làm thuê ở xa, con cái vì không có tiền đóng học phí nên nhiều cháu phải nghỉ học. Tuy nhiên đến nay, chính quyền huyện Chư Sê vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc.

Tin, ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Khẩn trương xây dựng phương án bồi thường cho các hộ dân ở huyện Chư Sê bị thu hồi đất
Khẩn trương xây dựng phương án bồi thường cho các hộ dân ở huyện Chư Sê bị thu hồi đất

Sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị từ tỉnh đến Trung ương, chiều 15/5, tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh Gia Lai, hơn 30 hộ dân huyện Chư Sê đã tiếp tục đến khiếu nại đòi quyền lợi về việc chính quyền huyện này ra quyết định thu hồi đất nhưng chưa lên phương án bồi thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN