Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, an ninh - trật tự, đặc biệt là vấn đề ranh quy hoạch và chính sách thu hồi đất, tái định cư để thực hiện dự án Khu công nghệ cao. Đồng thời, cử tri đặt vấn đề về vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội, HĐND trong các vấn đề liên quan đến đời sống người dân.
Cử tri Hoàng Văn Kiên (phường Tăng Nhơn Phú B) cho biết: Gia đình ông đã bị thu hồi đất làm Khu công nghệ cao vào năm 2002 nhưng đến nay khu vực này vẫn bỏ hoang chưa thực hiện dự án. Đặc biệt, sau khi có văn bản 370 của Văn phòng chính phủ (thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ trướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan dự án Khu công nghệ cao) và thông báo số 2138 của Thanh tra Chính phủ (thông báo kết quả kiểm tra, xem xét việc khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân liên quan đến thu hồi, sử dụng đất dự án Khu công nghệ cao), người dân đã khiếu nại nhưng đến nay chưa được giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Cử tri Lương Văn Sinh (phường Phước Long B) lại đề nghị chính quyền công khai bản đồ quy hoạch dự án Khu công nghệ cao để người dân biết. Đồng thời, chính quyền cần thông tin rõ để người dân biết về chính sách, tiến độ giải quyết tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất làm dự án Khu công nghệ cao. Cử tri cũng đề nghị đại biểu đưa tiếng nói người dân bị thu hồi đất làm Khu công nghệ cao đến Quốc hội.
Cử tri Nguyễn Thị Minh Lan (phường Long Phước) cho biết: Thực hiện dự án Khu công viên khoa học và công nghệ trên địa bàn phường, chính quyền đã có quyết định thu hồi đất từ 2 năm nay, nhưng không công khai bản đồ quy hoạch để người dân được biết, cũng chưa có chính sách bồi thường cho người dân, vì vậy, chính quyền cần quan tâm đến vấn đề này.
Bức xúc về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, cử tri Nguyễn Thanh (phường Long Bình) kỳ vọng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ đạo đến 6/2020 để các địa phương chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép. Tuy nhiên, cử tri cho rằng cần xử lý vấn đề này tận gốc, từ vấn đề cấp phép xây dựng, cấp chủ quyền đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công tác cán bộ ở địa phương…
Quan tâm đến công tác xử lý cán bộ sai phạm, cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Tăng Nhơn Phú A) bày tỏ thái độ chưa hài lòng với việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua lại tiếp tục giao cho Chính phủ quy định chi tiết về hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cử tri lo ngại rằng các văn bản hướng dẫn dưới luật sẽ đưa ra hình thức xử phạt không đủ sức răn đe, không ngăn chặn được các sai phạm. Mặt khác, đề cập các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm hối lộ, nhận hối lộ, cử tri cho rằng trong hời gian qua quy định pháp luật còn lỗ hổng dẫn đến nhiều vụ án đưa và nhận hối lộ chưa được xử lý nghiêm. Vì thế, cần rà soát lại để điều chỉnh quy định cụ thể hơn về bằng chứng trong nhận hối lộ. Với những bằng chứng khác nhau có mức xử lý khác nhau, chứ không để tiếp diễn tình trạng không xử lý được như hiện nay.
Trao đổi với cử tri, Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Dự án Khu công nghệ cao đã kéo dài 20 năm nay. Để tạo điều kiện cho Tổ đại biểu Quốc hội có nội dung cụ thể để thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện các kiến nghị, các chính sách xoay quanh vấn đề thu hồi đất, tái định cư thực hiện dự án Khu công nghệ cao, Tổ đề nghị UBND Quận 9 cung cấp các nội dung, các chỉ đạo mới nhất liên quan đến dự án này.
Về chính sách tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án Khu công nghệ cao, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cũng thông tin, Thường trực UBND Thành phố đã thống nhất và có chủ trương. Ngay sau khi có chính sách cụ thể, Quận 9 cần thông tin rõ đến người dân, đồng thời cầu thị, lắng nghe, trao đổi đối thoại với dân để làm tốt chức năng quản lý nhà nước.
Liên quan đến ý kiến của cử tri cho rằng một số quy định pháp luật về đất đai, thực hiện thu hồi đất, tái định cư hiện nay chưa phù hợp với thực tế, bại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: Trong kỳ họp 7, Quốc hội đã nghe nội dung giám sát việc thực hiện Luật Đất đai ở các địa phương và nhận thấy cần sửa đổi Luật này để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn, Quốc hội đã giao ban soạn thảo xem xét kỹ lưỡng, thận trọng các vấn đề từ thực tiễn, sau đó xây dựng dự án Luật trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 tới; trong đó có cả chính sách thu hồi đất đai.