Thực trạng khai thác vàng trái phép ở địa bàn huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) diễn ra hàng chục năm nay đã tàn phá những cánh rừng phòng hộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân cũng như ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại đất sản xuất. Mặc dù, chính quyền và lực lượng chức năng đã nhiều lần lập đoàn kiểm tra, xử lý các lán trại, máy móc… nhưng hoạt động khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra một cách rầm rộ.
Để ghi nhận những hệ lụy của việc khai thác vàng trái phép và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý tài nguyên khoáng sản, phóng viên TTXVN thực hiện chùm ba bài viết với chủ đề: “Vàng tặc lộng hành tàn phá rừng phòng hộ ở Lai Châu”.
Bài 1: 'Đại công trường' khai thác vàng trái phép
Huyện biên giới Mường Tè là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn, đặc biệt là kim loại vàng. Hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn diễn ra từ nhiều năm nhưng gần đây trở nên nhộn nhịp ở Nậm Suổng thuộc xã Vàng Sang và Nậm Khá thuộc xã Mù Cả, gây bức xúc trong nhân dân. Các đối tượng "vàng tặc" ngang nhiên dựng lán trại, thuê lao động, đưa máy nổ phát điện, máy hơi, máy khoan, máy nghiền… để thực hiện hoạt động khai thác vàng trái phép như “đại công trường”. Đối tượng khai thác vàng trái phép rất manh động và nguy hiểm, sẵn sàng tấn công nếu thấy người lạ mặt vào địa bàn.
Khoét núi tìm vàng
Nhắc tới khai thác vàng trái phép ở huyện Mường Tè, rầm rộ và nóng nhất là ở khu vực Nậm Khá, xã Mù Cả. Khu vực này nằm sâu trong rừng phòng hộ, thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã Mù Cả, Tà Tổng và Nậm Khao của huyện. Để tránh bị các đối tượng khai thác vàng trái phép phát hiện, ngày 10/8/2022, nhóm phóng viên đã cải trang thành những người mua vàng; sau đó thuê xuồng, xe máy dân bản vượt sông Đà, dốc núi cheo leo hơn một giờ đồng hồ để vào bãi vàng Nậm Khá.
Tới khu vực khai thác, phóng viên không khỏi bất ngờ trước khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập của hoạt động khai thác vàng trái phép. Tiếng máy nổ phát điện, tiếng máy nghiền và máy khoan vang cả núi rừng, cùng với việc vận chuyển thực phẩm, xăng dầu, quặng vàng bằng xe máy giống như một “đại công trường” giữa lòng rừng phòng hộ. Đặc biệt, những phu vàng ai nấy đều tấp nập, miệt mài khoan hầm, đập đá, nghiền đá, lọc vàng…
Ghi nhận của phóng viên, tại đây có khoảng gần 200 phu vàng và những đối tượng vàng tặc chuyên nghiệp với khoảng 50 lán trại được dựng bằng khung cây gỗ và phủ bạt phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép. Trong lán được chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt, có lán còn có cả tủ lạnh để thực phẩm. Xung quanh khu vực làm vàng, đồi núi bị vàng tặc đào bới nham nhở. Hàng chục hầm vàng được đào thẳng xuống lòng đất và khoét sâu vào núi.
Phu vàng Sùng Vạ Sấu, dân tộc Mông ở bản Tà Tổng, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè cho biết Sấu cùng bà con rủ nhau vào rừng tìm vàng, vào làm được vài ngày mà chưa tìm thấy gì. Công việc làm vàng cũng đơn giản, lấy cuốc và búa đục rồi đập đá, sau đó đãi vàng bằng dụng cụ thô sơ. Bà con có người làm được mấy chục triệu đồng, nhưng có người làm cả tháng chỉ được vài triệu. Công việc này cũng nguy hiểm lắm, phải chặt cây chống hầm để giảm sự cố sập hầm.
Rời điểm khai thác vàng ở khu vực Nậm Khá, ngày 11/8, phóng viên tiếp tục tới điểm khai thác vàng trái phép ở đầu suối bản Nậm Suổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè. Đây là điểm khai thác vàng trái phép do những đối tượng làm vàng chuyên nghiệp ở tỉnh khác đến đầu tư máy nổ, máy nghiền, hóa chất và dựng lán thuê lao động tổ chức hoạt động khai thác vàng. Nhờ dân bản cảnh báo trước, những đối tượng này rất manh động và nguy hiểm. Vì vậy, phóng viên phải chuẩn bị nhiều dụng cụ, trang bị đảm bảo an toàn để tiếp cận được khu vực này.
Từ trung tâm bản Nậm Suổng, sau gần một giờ đồng hồ đi bộ men theo dòng suối ngược lên phía thượng nguồn, phóng viên mới tiếp cận được bãi làm vàng; chứng kiến các phu vàng tấp nập khai thác, vận chuyển quặng vàng ra từ đường hầm sâu khoảng 200 mét. Một số đối tượng khi thấy mặt phóng viên, đã lao ra cản trở tác nghiệp, có đối tượng chạy lên núi lảng tránh. Tại bãi làm vàng có một máy nổ, máy hơi được đặt gần hầm để phát điện và tạo khí phục vụ cho việc đào vàng. Hầm vàng được các đối tượng đào sâu vào trong lòng đất và lắp hệ thống bóng điện thắp sáng. Khi phóng viên đến khu vực cửa hầm, các đối tượng tắt điện không cho phóng viên vào trong.
Vàng A Dình - người được thuê khai thác vàng trái phép cho biết Dình đến từ huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Vào làm được 3 ngày, mỗi tháng được trả công 6 triệu đồng và làm vào ban ngày.
Theo quan sát của phóng viên, nẹp đá mà các đối tượng khai thác từ hầm sẽ cho vào máy nghiền nhỏ cùng với nước đổ vào bể chứa. Sau đó cho chảy qua hệ thống máng gỗ có trải thảm và hóa chất thủy ngân lọc lấy vàng. Đất bùn và nước thải đục ngầu đều thải thẳng ra dòng suối phía đầu nguồn.
Tái diễn "vàng tặc"
Hoạt động khai thác vàng trái phép ở Mường Tè diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa chấm dứt được vấn trạng này. Hàng năm, huyện và các địa phương đã thành lập hàng chục đoàn kiểm tra liên ngành xử lý lán trại, máy móc, hầm. Thế nhưng, sau tất cả đâu vẫn hoàn đấy, thậm chí "vàng tặc" còn hoạt động một mạnh mẽ, lộng hành hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò A Chu, Chủ tịch UBND xã Vàng San, huyện Mường Tè cho hay: Từ đầu năm đến nay, xã đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, xử lý máy móc, phá lán trại của các đối tượng làm vàng. Đầu tháng 8/2022, xã cũng kiểm tra và đốt lán nhưng đến nay "vàng tặc" vẫn tái diễn. Xã đã báo cáo huyện và theo quan điểm cứ tái diễn lại tiến hành xử lý. Do không có lực lượng truy vết, các đối tượng lẩn sâu vào rừng nên địa phương gặp khó khăn trong việc chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép.
Đại úy Lý Anh Thành, Trưởng Công an xã Vàng San cho biết, thẩm quyền của công an xã ở mức đẩy mạnh tuyên truyền để các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn và tiến hành xử lý máy móc, lán trại chứ không có quyền bắt giữ người.
Thời gian qua, bên cạnh quy định của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, huyện Mường Tè đã xây dựng kế hoạch tài nguyên khoáng sản trước khai thác và kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng năm; thành lập tổ công tác để tuần tra, kiểm tra định kỳ mỗi tháng một lần... Với vòng luẩn quẩn kiểm tra rồi lại kiểm tra nhưng "vàng tặc" vẫn ngang nhiên lộng hành. Không biết đến bao giờ vấn nạn này ở huyện Mường Tè mới thực sự chấm dứt mặc dù lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo quyết liệt việc ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là triệt phá nạn “vàng tặc”.
Bài 2: ‘Chảy máu’ tài nguyên