Sở Xây dựng Hà Nội đổ lỗi "khách quan" vụ “bức tử” Đầm Hồng

Văn bản giải trình về vụ “bức tử” Đầm Hồng của Sở Xây dựng Hà Nội vẫn còn chưa thuyết phục, không có đơn vị nào nhận trách nhiệm và chủ yếu đổ lỗi cho khách quan.

Gần đây, dư luận báo chí và nhân dân bức xúc về việc chậm tiến độ thi công, cải tạo một số hạng mục xây dựng, khiến hồ Khương Trung 1 (Đầm Hồng), quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị “bức tử”.

Một góc Đầm Hồng. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Trước sự việc trên, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng và UBND quận Thanh Xuân vào cuộc kiểm tra. Và Sở Xây dựng cũng vừa có Báo cáo số 2289 UBND – TH gửi UBND thành phố Hà Nội, về những vấn đề liên quan.

Hạng mục cải tạo hồ Khương Trung 1 (Đầm Hồng) thuộc gói thầu 6.2 của Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội – Dự án II được khởi công từ tháng 10/2010.

Về giải phóng mặt bằng, tại thời điểm khởi công, chỉ một phần mặt nước được bàn giao để tiến hành nạo vét, còn lại chưa giải tỏa được do mặt hồ bị lấn chiếm. Phần mặt đất trên địa bàn phường Khương Trung được cưỡng chế giải tỏa vào tháng 10/2015; trên địa bàn phường Khương Đình vào ngày 15 và 31/12/2015.

Sở Xây dựng cũng đã đưa ra lý do, khó khăn, vướng mắc rằng, do thời gian nhận bàn giao mặt bằng kéo dài dẫn đến thay đổi chi phí vật liệu, nhân công thiết bị so với thời điểm đấu thầu, tiến độ thi công gấp nên nhà thầu thi công trúng thầu – Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đã đề nghị không tiếp tục thi công hạng mục trên, vì vậy mặt bằng thi công không được tiếp nhận bàn giao.

Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ mặt bằng. Tuy nhiên, tình trạng đổ trộm phế thải, rác thải khu vực xung quanh hồ Khương Trung 1 (Đầm Hồng) vẫn xảy ra.

Như vậy, với những lý do nêu trên, mặc dù công trình đã rất chậm tiến độ, vật liệu, rác thải bị đổ tràn lan, nhưng Sở Xây dựng Hà Nội, với vai trò là Chủ đầu tư thực hiện dự án, đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn thành phố, vẫn tự đánh giá là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhưng tình trạng đổ trộm rác thải vẫn xảy ra.

Không những thế, tại báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội nói trên của Sở Xây dựng cũng không đề cập đến trách nhiệm chính quyền địa phương quận Thanh Xuân trong việc quản lý khu vực Đầm Hồng.


Người dân thường xuyên đi qua khu vực này thời gian dài vừa qua, ai cũng biết và bức xúc về tình trạng đổ rác thải, phế thải như đã nêu trên. Vậy mà dự án chậm tiến độ lại được đổ lỗi cho khách quan là do vướng tình trạng đổ trộm rác thải. Vậy, ai để cho tình trạng rác thải bị đổ trộm tràn lan mà không có lực lượng nào ngăn cấm? Câu hỏi vẫn đang bị bỏ ngỏ!.

Gần đây, đợi đến khi Chủ tịch UBND nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo thì Sở Xây dựng mới có báo cáo là tới đây sẽ tập trung đôn đốc và đã cùng Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội chủ động làm việc với Chủ tịch HĐQT Tông Công ty Xây dựng Hà Nội (Đơn vị bỏ thi công) để tiếp tục triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành vào 30/6/2016.

Hy vọng những lời cam kết của các cơ quan chức năng và những bức xúc của dư luận nhân dân sẽ được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Hệ lụy từ việc "bức tử" môi trường
Hệ lụy từ việc "bức tử" môi trường

Môi trường bị ô nhiễm còn kèm theo những hệ lụy khó lường: suy thoái hoặc mất dần nguồn lợi thủy sản, nhiều nơi những loại thủy sản quí hiếm bắt đầu vắng bóng dần rồi vắng bóng hẳn chưa nói đến tuyệt chủng... như trường hợp tại Cai Lậy (Tiền Giang).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN