Bức tử cây xanh Hà Nội

Cây xanh được coi như là những lá phổi của thành phố. Nhưng hiện nay cây xanh trên các tuyến phố ở Hà Nội không còn nhiều, thay vào đó là các công trình xây dựng, các tòa nhà cao tầng chọc trời. Trên một số tuyến phố, nhiều cây xanh đã bị “bức tử” không thương tiếc, điều này không chỉ gây mất cảnh quan đô thị, phá hoại môi trường mà còn gây nguy hiểm cho chính người dân.


Nhiều cách “diệt” cây xanh


Đa phần cây xanh ở nhiều tuyến phố bị sử dụng để treo biển quảng cáo hoặc bó buộc bằng nilon quanh thân một cách tùy tiện. Tình trạng đổ xi măng vào gốc cây phổ biến như đường Bưởi, đường Nguyễn Chí Thanh, đường Cầu Giấy, tuyến đường Kim Mã (đoạn gần công viên Thủ Lệ). Hay nhiều cây bị chăng đèn điện như ở đường Trần Phú, Nguyễn Trãi… Tự ý treo các vật dụng lên cây, thậm chí nhiều gốc cây được tận dụng để bày bán đồ gỗ hoặc gắn bàn thờ như trên đường Đê La Thành…


Cây xanh bị bó buộc đến “nghẹt thở” (chụp tại đường Đê La Thành)


Có nhiều nguyên nhân khiến người dân thiếu ý thức cố ý triệt hạ cây xanh. Một số nhà mặt phố, để có diện tích mặt bằng kinh doanh họ đã thực hiện dã tâm của mình bằng những cách có thể nói là đã diệt cây xanh rất tinh vi, như trảm ngọn, chặt cành, băm rễ, hàng ngày dội nước sôi vào gốc cây, đặt nhiều bếp than tổ ong quanh gốc cây làm cho cây bị thiêu đốt, đổ dầu luyn làm cho cây không hút được nước hoặc đổ nước muối, dầu mỡ thải, nước axít pha loãng, khiến cho cây chết dần, chết mòn… Hay nặng nề hơn là đổ thẳng bê tông quanh gốc.


Ngoài ra còn nhiều thủ đoạn để triệt hạ cây xanh mà chúng ta không biết đến, tuy nhiên bằng cách này hay cách khác chỉ trong một thời gian ngắn nhiều cây xanh đã phải “ra đi”.


Nghiêm trọng hơn nữa, tại thủ đô Hà Nội, tệ nạn chặt phá cây gỗ quý như sưa đỏ, xà cừ mà chưa có cách ngăn chặn triệt để. Trong thời gian qua đã có hàng chục cây gỗ sưa quý hiếm thuộc nhóm A1 bị tàn phá khiến người dân thủ đô bất bình.


Ngày 9/2/2012, tại vườn hoa Đại học Thủy Lợi, quận Đống Đa, người dân đã phát hiện kẻ gian cắt trộm cây gỗ sưa đỏ số 67, lấy trộm đoạn giữa có đường kính 16 cm. Vào rạng sáng 11/2, nhân viên bảo vệ ở Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã phát hiện một cây gỗ sưa đỏ bị chặt tại vỉa hè trước cổng trường, thuộc đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Ngoài ra cây sưa nằm giữa 2 số nhà 202 và 204 đường Lạc Trung, có tuổi đời trên 20 năm và đường kính gốc cỡ 40 cm đã bị triệt hạ.


Ngay cả những cây sưa nhỏ trồng chưa tới 10 năm cũng bị bọn “sưa tặc” chặt hạ. Tháng 6/2011, tại công viên Thủ Lệ, Hà Nội, “sưa tặc” đã đốn hạ một cây sưa đỏ có đường kính 25 cm, hay cây sưa gần cổng phụ công viên Thống Nhất trên đường Đại Cồ Việt trước cửa số nhà 430 đường Lê Duẩn cũng rơi vào tình trạng tương tự.


Mới đây, cơ quan chức năng của Hà Nội thống kê được toàn thành phố chỉ còn 717 cây sưa. Điều đáng báo động là phải mất hàng chục năm với bao công sức mới có thể nuôi sống và giữ gìn một cây xanh. Thế nhưng chỉ vì lợi ích cá nhân, nhiều người thẳng tay phá hủy "những lá phổi của thành phố" một cách không thương tiếc…


Cây xanh bị đổ bê tông kín gốc như cột điện (Chụp tại đường Phan Bội Châu).


Bác Thảo, tổ trưởng tổ dân phố 69 phường Đội Cấn, Hà Nội cho biết: “Cây xanh giúp cho không khí trong lành và tỏa bóng mát. Nhưng một số gia đình buôn bán ở mặt phố có cây xanh trước cửa cho rằng ảnh hưởng tới việc làm ăn nên họ tìm cách “bức tử” cây cho bằng được. Bản thân tôi đã từng chứng kiến nhiều cây xanh bị cuốn dây điện xung quanh hoặc chặt vỏ gốc cây với giải thích là bảo vệ nhưng thực chất là “sát hại” cây xanh. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một số ít người dân thiếu ý thức, còn đa số người dân Việt Nam vốn sống nền văn minh lúa nước nên rất yêu quý cây. Theo tôi thì nên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và thêm nhiều đội công nhân bảo vệ cây xanh”.


Còn cụ Hòa ở phường Bách Khoa thì cho hay: “Bản thân tôi hết sức bất bình về hành động sát hại. Các “cách” dùng để triệt hạ cây xanh thoạt nghe thì tưởng rằng không ảnh hưởng nhưng chỉ trong thời gian ngắn khiến một cây xanh lâu năm tươi tốt bị héo úa mà chết, nguy hại nhất là việc đục lỗ trên thân cây rồi bơm axít vào hay đổ bê tông kín gốc cây… Theo tôi đây là những hành động gây nguy hại đến môi trường sống, cơ quan chức năng cần nghiêm trị những kẻ phá hoại này”.


Nguy hiểm có thể đến…


Từ việc “bức tử” cây xanh này rất có thể xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tình mạng người dân khi mưa bão. Gần đây nhất là đợt mưa bão ập xuống Hà Nội (chiều 17/8) đã khiến hàng loạt tuyến phố bị ngập nặng, nhiều tuyến đường cây xanh bị đổ, giao thông hỗn loạn, các phương tiện gặp áp lực rất lớn khi lưu thông như: Trần Nhân Tông, Lê Trọng Tấn, phố Hàng Gai - Hàng Bông, Bà Triệu, Phố Huế, Tràng Thi, Đặng Văn Ngữ...


Tại khu vực ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng, một cây xanh to đổ, đè lên 3 ô tô và 2 xe máy, khiến một người phải nhập viện, giao thông ách tắc. Sự việc nghiêm trọng nhất là một cây xà cừ cổ thụ trên phố Lò Đúc bất ngờ đổ đè bẹp chiếc taxi của hãng Mai Linh và làm lái xe tử vong tại chỗ khiến nhiều người dân cũng như cơ quan chức năng bàng hoàng. Tiếp đó, sáng 18/8, một cây phượng lâu năm bật gốc đè sập một mái nhà.


Tất nhiên phần lớn cây đổ là các cây lâu năm như xà cừ, muồng, nguyên nhân do những loại cây có rễ chùm không chống chịu được mưa bão lớn và kéo dài, nhưng cũng không thể phủ nhận việc hàng ngày, hàng giờ “bức tử” cây xanh cũng “góp phần” gây nên những nguy hiểm cho người dân.


Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 19/2010/QĐ - UBND về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thủ đô. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi tự ý chặt hạ, di dời cây xanh sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.


Để bảo vệ “lá phổi xanh” luôn được tươi tốt, mang lại không khí trong lành cho con người và làm đẹp cảnh quan thì thiết nghĩ, chính quyền và ngành chức năng cần có sự chung tay, nỗ lực nhiều hơn, đầu tư dài hơi hơn để phát triển cây xanh đô thị và có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý vi phạm. Ngoài ra, bảo vệ cây xanh phải trở thành ý thức thường trực trong mỗi người dân. Có vậy việc bảo vệ cây xanh mới thực sự đem lại hiệu quả.



Bài và ảnh:Tuấn Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN