Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 đối tượng liên quan tới đường dây mua bán trái phép hóa đơn GTGT với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, qua báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, các đối tượng liên quan đến việc mua bán hóa đơn gồm: Nguyễn Thị Phương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty CP Dịch vụ Thương mại Vận tải xây dựng Phương Anh; Lê Thị Hồng Linh - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Vận tải Hùng Trang và Đinh Thị Nga - kế toán Công ty CP Dịch vụ Thương mại Vận tải xây dựng Phương Anh, có cùng địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đang rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn vi phạm của 2 doanh nghiệp này để xử lý nghiêm theo quy định, tránh thất thoát tiền thuế cho Nhà nước; đồng thời, tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế, hóa đơn nhằm ngăn chặn kịp thời các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về thuế và hóa đơn, nhất là đối với các doanh nghiệp mới thành lập; doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
Theo Chi cục Thuế khu vực thành phố Thanh Hóa - Đông Sơn (Thanh Hóa), 2 doanh nghiệp trên do mẹ con bà Nguyễn Thị Phương và Lê Thị Hồng Linh điều hành đã có hành vi mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT nhưng không hoạt động kinh doanh thực tế để kê khai báo cáo thuế, xuất hóa đơn GTGT với giá dao động từ 5 - 8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn. Điển hình, từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020, 2 công ty "ma" này mua bán hàng trăm tờ hóa đơn GTGT, gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước tổng số tiền gần 100 tỷ đồng (thể hiện trong hồ sơ).
Giới luật sư cho rằng: Hai công ty và các cá nhân liên quan có dấu hiệu của 2 nhóm tội danh là “Tội trốn thuế” được quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và “Tội mua bán, phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách Nhà nước” theo Điều 203 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Với nhóm tội danh “Tội trốn thuế”, các đối tượng thực hiện hàng loạt hành vi bị cấm bởi Luật quản lý thuế như: Sử dụng hóa đơn của các sản phẩm hàng hóa này để lập cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác; sử dụng các hóa đơn không có hoặc không còn hiệu lực để bán hàng hóa/dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức khác; phát hành hóa đơn khống không có hàng hóa, dịch vụ đi kèm; sử dụng hóa đơn mua vào bất hợp pháp để giảm, khấu trừ số thuế phải nộp.
Nếu có hành vi mua bán hóa đơn mà dẫn đến việc trốn thuế với số tiền nộp thuế từ 100 - 300 triệu đồng, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội trốn thuế” theo Khoản 1 Điều 200 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng người trốn thuế đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án và chưa được xóa án tích về hành vi trốn thuế thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Phạm tội trốn thuế với số tiền nộp thuế từ 1 tỷ đồng trở lên, người vi phạm bị phạt tiền từ 1,5 - 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…