76 năm qua, lực lượng Cảnh sát Hình sự đã từng bước lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao. Lực lượng Cảnh sát Hình sự đã điều tra hàng chục nghìn vụ phạm tội các loại, triệt phá hàng nghìn băng nhóm tội phạm, bắt giữ, xử lý hàng chục nghìn tên tội phạm.
Tấn công, trấn áp tội phạm mạnh mẽ
Đầu năm 2021, từ nguồn tin trinh sát, Cục Cảnh sát Hình sự phát hiện đường dây mua bán trẻ sơ sinh với quy mô rất lớn, có sự tham gia, câu kết của nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cục Cảnh sát Hình sự đã xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng này. Đêm 25/2, các mũi trinh sát của Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Cao Bằng đồng loạt ập vào kiểm tra ngôi nhà tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (Hà Nội) là nơi tập kết mua bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc. Cơ quan Công an đã giải cứu kịp thời 4 trẻ sơ sinh; đồng thời bắt giữ các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Cục Cảnh sát Hình sự, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, qua khám phá vụ án làm rõ đối tượng phạm tội có tiền án về tội có liên quan đến mua bán trẻ em, câu kết chặt chẽ với nhau, lợi dụng sơ hở quản lý biên giới và lợi dụng các trang mạng xã hội núp bóng dưới nhóm kín, diễn đàn, hội ngụy trang "cho nhận con nuôi", "hiếm muộn"... để thực hiện hành vi phạm tội. Đường dây tội phạm có thủ đoạn hết sức tinh vi, các đối tượng hoạt động tại nhiều địa phương, chủ yếu liên hệ thông qua mạng xã hội, lợi dụng dịch bệnh vẫn tích cực hoạt động, tìm cách đưa trẻ em lên biên giới đưa sang Trung Quốc.
Triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh nói trên chỉ là một trong những chuyên án lớn, chiến công nổi bật của Cục Cảnh sát Hình sự trong những năm qua. Ngoài chuyên án này, phải kể đến chuyên án bắt, khám xét khẩn cấp đối với 19 đối tượng, thu giữ gần 1.500 hình dấu, con dấu giả của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương; chuyên án triệt phá băng nhóm đánh bạc qua Internet hơn 2.000 tỷ đồng; điều tra, truy xét, bắt các đối tượng gây ra các vụ thảm án gây "rúng động" trong quần chúng nhân dân xảy ra tại Bắc Giang, Bình Phước, Nghệ An, Hưng Yên… Đặc biệt, một chiến công nổi bật nhất đó là Cục Cảnh sát Hình sự đã xác lập, triệt phá chuyên án, bóc gỡ toàn bộ băng nhóm tội phạm nguy hiểm do Lê Văn Thọ, tức Thọ "Sứt" cầm đầu, điều hành đàn em gây ra hàng loạt vụ án đặc biệt nguy hiểm như giết người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Đại tá Mai Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, trong giai đoạn từ 2011 - 2021, thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển đã kéo theo tình hình trật tự xã hội ngày càng phức tạp với sự hoạt động của các đường dây, tổ chức tội phạm có quy mô lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội bằng phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát Hình sự đã chủ động triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự, trong đó sử dụng biện pháp đấu tranh chuyên án…
Kết quả, Cục Cảnh sát Hình sự đã xác lập, đấu tranh, khám phá hàng trăm chuyên án có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, bắt giữ hàng nghìn đối tượng phạm tội, hàng loạt các vụ án đặc biệt nghiêm trọng được điều tra khám phá nhanh, không còn tình trạng băng nhóm tội phạm hình sự hoạt động ngang nhiên, công khai…, tạo khí thế tấn công, trấn áp tội phạm mạnh mẽ.
Giữ bình yên cho nhân dân
Theo Cục Cảnh sát Hình sự, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội, an ninh trật tự. Cục Cảnh sát Hình sự đánh giá, tội phạm hình sự trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 sẽ có nhiều thủ đoạn mới, có sự đan xen, gắn kết giữa kinh tế, hình sự, ma túy, môi trường, công nghệ cao, mang tính chuyên nghiệp và lưu động cao, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, vùng miền với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, tạo nhiều vỏ bọc, lợi dụng "kẽ hở" của pháp luật để hoạt động; nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng gia tăng. Cùng với đó là tình trạng chống người thi hành công vụ; các loại tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, cướp giật tài sản; tụ tập đua xe, gây rối trật tự công cộng… diễn biến phức tạp. Lực lượng Cảnh sát Hình sự đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, giữ bình yên cho nhân dân.
Với sự chủ động, tích cực tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, năm 2021 số vụ phạm tội về trật tự xã hội xảy ra 41.728 vụ, giảm 11,33% so với năm trước. Hầu hết các loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, các loại tội phạm mang tính bạo lực, tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đều giảm. Nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức đã lần lượt bị lực lượng Cảnh sát Hình sự bắt giữ; đã điều tra khám phá 36.040 vụ, bắt xử lý 73.897 đối tượng, đạt 86,37%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90,26%, triệt phá 1.335 băng nhóm tội phạm...
Hoạt động của tội phạm hình sự tiếp tục duy trì kéo giảm, không để tồn tại và hình thành các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp, "điểm nóng" về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; không để các băng nhóm hoạt động công khai, manh động, thách thức dư luận.
Theo Cục Cảnh sát Hình sự, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành các chủ trương, kế hoạch, giải pháp, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; kiên quyết không để hình thành, tồn tại các điểm nóng về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, không để tội phạm hoạt động manh động, phức tạp, gây bức xúc dư luận. Cục Cảnh sát Hình sự sẽ chỉ đạo lực lượng tham mưu các cấp có thẩm quyền huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tại địa phương tham gia có hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội; chủ động, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ cơ sở, không để bức xúc kéo dài làm nảy sinh tội phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần từng bước xây dựng xã hội kỷ cương, an ninh, an toàn.