Quang cảnh phiên xét xử ngày 23/10. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Dù được triệu tập nhưng ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược vắng mặt tại tòa.
Ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế giải thích với Hội đồng xét xử rằng ông Trương Quốc Cường chưa nhận được giấy triệu tập của Hội đồng xét xử.
Còn ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản xin vắng mặt. Đại diện Bộ Ngoại giao đến tòa cho biết đã ghi nhận và sẽ trả lời sau về các vấn đề liên quan.
Trả lời về quy trình truy xuất hồ sơ thuốc của Công ty Helix Canada, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Tại các văn bản pháp lý, quy định rất rõ phải dựa vào giấy chứng nhận bán hàng tự do và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế cấp.
Hai loại giấy tờ này phải được xác nhận tính hợp pháp, hợp lý dựa vào kiểm chứng con dấu, chữ ký do cơ quan tại Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan nước ngoài tại Việt Nam thực hiện; đồng thời, tổ chức hành nghề công chứng cũng sẽ xác nhận tính hợp pháp, hợp lý.
Đối với câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát rằng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có sai sót gì khi cho cấp phép lô hàng, Ông Đỗ Trung Hưng trả lời: "Việc cấp phép là đúng quy trình".
Các bị cáo tại phiên xét xử ngày 23/10. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đặt vấn đề, trong biên bản thẩm định hồ sơ nhập thuốc của VN Pharma có 10 người nhưng chỉ có 7 người ký, 3 người không ký trong biên bản thì việc cấp phép cho nhập khẩu thuốc có đúng quy định và hợp lệ không?
Ông Hưng cho biết, theo quy định không bắt buộc tất cả các chuyên gia. Trong việc cấp phép VN Pharma có 3/4 chuyên gia đồng ý.
Ông Hưng cung cấp cụ thể ba chuyên gia không ký trong biên bản thẩm định này, gồm một chuyên gia pháp chế, một chuyên gia thẩm định tiêu chuẩn chất lượng và một chuyên gia thẩm định về dược lý.
Cả ba chuyên gia này đều không ký tên, không có ý kiến gì tại biên bản. Trong biên bản cũng nhiều người ký tên nhưng không ghi đầy đủ ngày tháng lúc ký, không ghi tên họ đầy đủ...
Theo đại diện Viện Kiểm sát, việc này phần nào thể hiện sự tắc trách của tổ thẩm định của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).
Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 20/10, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita và ba lô hàng thuốc khác đã nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, chính việc làm tắc trách của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, vì vậy cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để xử lý.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều sai phạm nên là đơn vị cần xem xét trong vụ án nhưng lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do mình cấp phép...
Việc Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tham gia tố tụng với tư cách giám định viên tư pháp là chưa đảm bảo tính khách quan. Kết quả giám định chất lượng thuốc H-captita còn mâu thuẫn, chưa phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) khóc, nói nhận trách nhiệm về việc làm của mình, trình bày về khó khăn gia đình và xin sự khoan hồng của pháp luật.
Các bị cáo khác mong Hội đồng xét xử lượng hình. Bị cáo Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Giám đốc VN Pharma) xin gửi lời xin lỗi đến người dân.
Tòa sẽ tuyên án vào sáng 30/10/2017.