Hội đồng xét xử đã tuyên án phạt 4 bị cáo trong vụ án này gồm: Vũ Tiến Hiệp (sinh năm 1966, nguyên Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội) 5 năm tù, Lê Thị Nhạn (sinh năm 1976, nguyên cán bộ Trường trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội) 4 năm tù, Mai Hiển Quế (sinh năm 1988, trú tại xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) 3 năm tù và Phạm Thị Phương Thanh (sinh năm 1990, nguyên cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) 2 năm tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 281, khoản 2, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tại phiên tòa đã làm rõ, Vũ Tiến Hiệp là Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội, đơn vị được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp phép hoạt động đào tạo nghề, hoạt động trên cơ chế hạch toán độc lập và được phép đào tạo, thi, kiểm tra và cấp các loại chứng chỉ sơ cấp nghề như: vận hành máy xây dựng, vận hành máy đóng cọc, kỹ thuật xây dựng, kinh tế doanh nghiệp, Mộc xây dựng và trang trí nội thất, cấp thoát nước, tin học văn phòng, cốt thép - hàn. Vũ Tiến Hiệp được UBND thành phố Hà Nội bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng vào tháng 12/2009.
Đến ngày 5/8/2010, trường không được phép cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Nhưng với mục đích để có kinh phí hoạt động, trả lương, thưởng cho nhân viên... Vũ Tiến Hiệp đã chỉ đạo Lê Thị Nhạn (Trưởng phòng hành chính) đưa ra các thông tin về việc nhà trường được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và cấu kết với Mai Hiền Quế, Phạm Thị Phương Thanh (là những đối tượng ngoài xã hội) làm, bán chứng chỉ sơ cấp nghề cho các cá nhân qua mạng xã hội Facebook. Hiệp thuê một số người đến các công ty đã ký hợp đồng đào tạo để dạy và kiểm tra sát hạch theo nội dung hợp đồng đã ký.
Sau đó, căn cứ vào danh sách mà các công ty cung cấp, Nhạn đã làm chứng chỉ sơ cấp nghề cho những người có tên trong danh sách. Đối với cá nhân có nhu cầu làm chứng chỉ sơ cấp thì chỉ cung cấp thông tin họ tên, địa chỉ, bản phô tô Chứng minh thư nhân dân, ảnh cho Nhạn để Nhạn làm chứng chỉ sơ cấp nghề cho họ mà không phải qua đào tạo và thi sát hạch. Giá mỗi chứng chỉ, các bị cáo bán từ 300-500 ngàn đồng. Ngoài ra, Hiệp và Nhạn còn làm và bán chứng nhận nâng bậc thợ với giá 50.000 đồng/bản.
Cơ quan tố tụng xác định, từ năm 2011 đến 7/2017, Hiệp và Nhạn đã ký hợp đồng đào tạo với 27 công ty, doanh nghiệp cấp 857 chứng chỉ sơ cấp nghề và bán cho 127 người các chứng chỉ sơ cấp nghề, hưởng lợi hơn 1,1 tỷ đồng. Quế và Thanh đã bán cho khoảng 30-40 người với số tiền khoảng 25-35 triệu đồng các chứng chỉ sơ cấp nghề không có giá trị sử dụng, hưởng lợi hơn 10 triệu đồng. Bị cáo Hiệp bị xác định là người chủ mưu, trực tiếp ký hợp đồng liên kết đào tạo với các công ty, doanh nghiệp, chỉ đạo Nhạn làm và bán các chứng chỉ cấp nghề không có giá trị sử dụng.
Trong số 27 công ty, doanh nghiệp nói trên có Công ty cổ phần Vinaconex 6 (ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) 9 chứng chỉ vận hành vận thang (không qua đào tạo) với giá hơn 10 triệu đồng. Công ty cổ phần xây dựng Vĩnh Long (ở phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) làm 26 chứng chỉ sơ cấp nghề và công ty đã thanh toán hơn 10 triệu đồng. Công ty TNHH MTV xây lắp điện 1- Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm 11 chứng chỉ sơ cấp điện công nghiệp, đã thanh toán 11 triệu đồng. Đối với 2.045 người được Trường trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội cấp chứng chỉ, Cơ quan điều tra chưa làm rõ được do một số người không có mặt tại địa phương hoặc đã chuyển khỏi nơi cư trú, không xác định được đi đâu, một số người không đủ thông tin lai lịch, địa chỉ để xác minh làm rõ.
Quá trình điều tra, gia đình bị cáo Hiệp đã nộp lại 510 triệu đồng, gia đình bị cáo Nhạn cũng nộp lại 510 triệu đồng để khắc phục hậu quả.