Mất tiền tỷ khi tham gia các ứng dụng đầu tư tài chính online

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội liên tục cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các ứng dụng đầu tư tài chính online. Tuy nhiên, nhiều quỹ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo liên tục được lập mới với tên gọi khác, mời gọi nhà đầu tư tham gia.

Mới đây, chị P (trú tại Đông Anh, Hà Nội) nhận được cuộc gọi giới thiệu là nhân viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý quỹ đầu tư Alliance Berstein mời chào tham gia đào tạo miễn phí về kiến thức chứng khoán, trên nhóm học online qua Zalo. Sau 2 tuần tham gia học online, đối tượng hướng dẫn chị P tải ứng dụng quản lý Quỹ đầu tư Alliance Berstein để thực hành đầu tư chứng khoán.

Do thấy lợi nhuận cao, chị P đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng vào Quỹ đầu tư Alliance Berstein. Khi rút tiền, chị P được thông báo tài khoản đã bị khóa và phải nộp thêm tiền, nếu không sau 24 giờ tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn. Chị P đã 21 lần chuyển khoản cho đối tượng với tổng số tiền là 10,9 tỷ đồng và bị chiếm đoạt hết số tiền trên.

Tương tự chị P, anh H (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và bà D (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tham gia Quỹ đầu tư Alliance Berstein và bị chiếm đoạt số tiền 1,1 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội cho biết, chị T (trú tại Ba Đình, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là Cơ quan Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình hỗ trợ kiểm tra hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trực tuyến. Đối tượng yêu cầu chị T sử dụng điện thoại Samsung để thực hiện cài đặt phần mềm hỗ trợ xử lý từ xa. Do giao diện của phần mềm giống với giao diện đã cài đặt trên điện thoại iphone nên chị hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau đó, chị T kiểm tra thì phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút hết tiền nên đã đến cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là gần 1 tỷ đồng.

Tại cơ quan Công an, chị T cho biết, chị là người có trình độ về công nghệ thông tin, đã thực hiện bảo mật các thông tin về tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, khi nghe điện thoại của đối tượng, thấy sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo nên chị đã chủ quan và sập bẫy.

Để tránh sập bẫy lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng. Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.

Bên cạnh đó, người dân nên cài những phần mềm đã được cơ quan chức năng đã công bố trên webste chính thức của đơn vị. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk. Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh.

Ngoài ra, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi tham gia các nhóm đào tạo miễn phí về chứng khoán, đầu tư tài chính, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội. Không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Lừa đảo mua USD với tỷ giá thấp, chiếm đoạt 140 tỷ đồng
Lừa đảo mua USD với tỷ giá thấp, chiếm đoạt 140 tỷ đồng

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trần Thị Minh Huệ (sinh năm 1980, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN