Luật Kiến trúc sư: công bằng cho người thiết kế

Cùng với thời gian, ngành kiến trúc và kiến trúc sư (KTS) trong nước không ngừng vươn lên, đóng góp không nhỏ vào quá trình đô thị hóa của đất nước. Tuy nhiên, đến nay, mọi hoạt động kiến trúc lại chịu sự điều chỉnh của Luật xây dựng, Luật đấu thầu hay các văn bản dưới luật.

Ngành kiến trúc chưa có luật riêng để quy định hành vi của KTS cũng như các thành phần có liên quan, dẫn đến quyền lợi của KTS còn bị xâm phạm, việc kiểm soát năng lực chuyên môn đạo đức nghề nghiệp của kiến trúc sư vẫn còn nhiều hạn chế… Do đó, việc ra đời Luật Kiến trúc sư nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thống nhất điều chỉnh hoạt động hành nghề kiến trúc và đào tạo là một yêu cầu cấp thiết.

Tạo môi trường làm nghề công bằng

Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS hành nghề như là người cung cấp dịch vụ, nhưng dịch vụ đó lại không bị ràng buộc và chịu sự kiểm soát của pháp luật. Vì thế, KTS giỏi có năng lực và kém chuyên môn đều có thể hành nghề như nhau. Ở góc độ khác, sản phẩm do KTS cung cấp không chỉ do KTS quyết định mà còn phụ thuộc vào người sử dụng dịch vụ, đó là các chủ đầu tư. Họ có thể chấm dứt hợp đồng ngay khi KTS vừa mới hoàn thành xong ý tưởng tác phẩm, hay có quyền sửa chữa tác phẩm kiến trúc mà chưa được KTS đồng ý. Bên cạnh đó, chủ đầu tư là người trả giá cho sự cung cấp dịch vụ đó theo ý mình, dẫn đến tình trạng, KTS dù rất giỏi nhưng luôn bị ở thế yếu, luôn nhận được thù lao thiết kế với giá thấp nhất.

Luật Kiến trúc sư được kì vọng sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề vường mắc trong bản quyền thiết kế. Trong ảnh: bản vẽ bảo tàng Hà Nội. Ảnh internet



Như vậy, cần có quy định chế tài các hoạt động của KTS và chủ đầu tư nhằm tạo ra môi trường làm nghề công bằng. Theo KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khi Luật KTS được ban hành sẽ có nội dung liên quan đến “thiết kế phí tối thiểu dành cho các loại nghệ thuật kiến trúc”. Phí tối thiểu này đi kèm nội dung thiết kế công khai tối thiểu. Có nghĩa là, với công trình đó, dù KTS nào đi nữa khi đã ký hợp đồng với chủ đầu tư đều phải làm đủ các bước tối thiểu.

Từ đó, nếu KTS thực hiện đầy đủ những bước công khai theo yêu cầu, chủ đầu tư phải chi bấy nhiêu phí tối thiểu tương ứng. Nếu KTS có thương hiệu có thể trao đổi, đưa ra những mức phí cao hơn, phù hợp với kinh nghiệm cũng như lợi ích mang lại cho chủ đầu tư. Vì thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng biết rõ chi tiết về công việc KTS sẽ làm.

Chính vì vậy, Luật KTS ra đời nhằm giải quyết triệt để tình trạng cạnh tranh, hạ giá không lành mạnh. Bên cạnh đó, Luật cũng có những nội dung chế tài đối với chủ đầu tư. Chẳng hạn, không được phép thuê những người không phải là KTS làm những công việc của KTS. Hay khi chủ đầu tư cắt hợp đồng giữa chừng với KTS, sau đó tự ý phát triển ý tưởng của KTS coi như là phạm luật và sẽ bị phạt tùy theo mức độ…

Chú trọng đào tạo

Để có thể tự hành nghề, một KTS mới ra trường cần phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về tư cách đạo đức, năng lực, cũng như phải có hơn hai năm cùng tham gia thiết kế các công trình. Có như vậy, tác phẩm do họ tạo ra mới đảm bảo về chất lượng…

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, KTS mới tốt nghiệp đã có thể tự hành nghề. KTS Trần Trí Thông, Chủ tịch Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Cần Thơ chia sẻ: “Bản thân tôi đã có 12 năm hành nghề với danh xưng kiến trúc sư. Tuy nhiên, khi nhìn lại thời gian đầu mới ra trường tôi vẫn luôn cảm thấy “dằn vặt”. Với hệ thống đào tạo của ngành kiến trúc, khi tốt nghiệp, văn bằng mà sinh viên kiến trúc nhận được là bằng KTS. Trong khi mới ra trường, sinh viên lại chưa biết gì về kiến trúc. Và cứ thế, tôi dùng tấm bằng này để làm việc với các chủ đầu tư mà rõ ràng lúc đó kinh nghiệm chưa có”.

Theo Luật sư - KTS Nguyễn Tiên Quang - Hội Kiến trúc sư TP.Hồ Chí Minh: Việc sử dụng từ “Kiến trúc sư” hiện nay bị lạm dụng, không theo quy chuẩn quốc tế. Do đó, trong Luật Kiến trúc sư, tên gọi này sẽ được quy định rõ ràng. “Kiến trúc sư” là chức danh hành nghề và chỉ được phép sử dụng chức danh này khi Chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực. Những ai tốt nghiệp ngành kiến trúc dù là đại học, cao học… hay nhà quản lý, chuyên gia kiến trúc… vẫn không được gọi là KTS, trừ khi họ đạt được những tiêu chí cần thiết và vượt qua một cuộc thi lấy chứng chỉ hành nghề KTS. Vì vậy, văn bằng mà sinh viên kiến trúc nhận được khi tốt nghiệp đại học sẽ gọi là Cử nhân kiến trúc chứ không còn là Kiến trúc sư. Và việc đào tạo Cử nhân kiến trúc thành KTS sẽ do Đoàn Kiến trúc sư đảm nhận.

Ngoài ra, nhằm tránh việc đào tạo tràn lan KTS nhưng chất lượng kém như hiện nay, chương trình giáo dục đào tạo KTS của các đại học cần được giám định bởi một Hội đồng công nhận Bằng cấp Kiến trúc sư Quốc gia. Cũng như để việc đào tạo KTS theo kịp các nước, ngành kiến trúc trong nước nên tham khảo chương trình giáo dục kiến trúc, cũng như pháp lệnh hành nghề của các nước trong khu vực và quốc tế, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, tạo tiền đề cho các KTS Việt Nam có thể được thế giới công nhận tư cách KTS hoặc được thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề KTS ở nhiều nước…/.

Lan Phương
Hoạt động luật sư chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội

So với nhu cầu của xã hội thì hoạt động luật sư chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, trong khi kinh tế càng phát triển, doanh nghiệp càng đông, dân cư càng giàu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN