Người dân ở đây cho rằng, việc xin hạ cốt san nền để phục vụ sản xuất chỉ là cái cớ để khai thác trộm khoáng sản, làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân xung quanh.
Ngày 9/2/2018, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 375/QĐ-XPVPHC do ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Đức Hòa, đăng ký thường trú ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, vì có hành vi “Khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Điều đáng nói, địa điểm khai thác chính là khu đất của gia đình ông Hà Kim Duyệt. Theo quyết định này, tổng số tiền ông Lê Đức Hòa phải nộp phạt là 862 triệu đồng. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong vòng 10 ngày kể từ khi giao quyết định.
Sau đó, hộ ông Hà Kim Duyệt có đơn xin san gạt, hạ cốt nền. Ngày 4/12/2018, UBND huyện Tân Sơn có Quyết định số 4923/QĐ-UBND do ông Tạ Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện ký, về việc cho phép san gạt, hạ cốt nền đối với hộ ông Hà Kim Duyệt tại xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, thời gian 30 ngày kể từ ngày ký quyết định. Theo đó, diện tích cho phép san gạt, hạ cốt nền rộng gần 1.800 m2, khối lượng san gạt, hạ cốt nền hơn 5.000 m3 và đổ thải tại chỗ…
Một người dân khu Đét cho biết: Dưới lòng đất nhà ông Duyệt có mỏ talc với trữ lượng lớn. Do đó, việc xin san gạt, hạ cốt chỉ là “chiêu bài” để khai thác trái phép khoáng sản. Hàng ngày, xe trọng tải lớn chở quặng đi lại rầm rập trên con đường dân sinh, khiến đường xuống cấp, bụi bặm, nguy cơ gây mất an toàn giao thông... người dân rất bức xúc.
Ngày 18/12/2018, nhận được phản ánh của người dân về việc tại bến Đét, xã Văn Luông có khối lượng đất đá màu nâu xám được tập kết thành đống nghi là quặng do khai thác trái phép, Công an huyện Tân Sơn cùng chính quyền xã Văn Luông đã xuống kiểm tra.
Ghi nhận thực tế, đoàn kiểm tra nhận thấy, trên khu đất nhà ông Hà Kim Duyệt có một khối lượng đất đá màu nâu xám được gom thành đống, khoảng 430m3, nghi là quặng, gần chỗ tập kết có dấu hiệu đào bới. Tuy nhiên, khi làm việc với đoàn kiểm tra, ông Hà Kim Duyệt cho biết, từ ngày 16/12 đến khi đoàn công tác xuống kiểm tra, gia đình ông đi vắng và không biết ai đến đào bới trên khu đất của gia đình (?).
Đến ngày 22/1/2019, dù việc san gạt, hạ cốt đối với khu đất của gia đình ông Hà Kim Duyệt đã hết thời hạn, nhưng khi chính quyền xã Văn Luông xuống kiểm tra, hoạt động này vẫn đang được thực hiện. Do đó, UBND xã Văn Luông buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ việc san gạt này.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 2/2019, phóng viên tiếp tục chứng kiến việc san gạt, vận chuyển loại đất màu nâu xám nghi là quặng tại khu đất nhà ông Hà Kim Duyệt. “Dù bị xử phạt gần 1 tỷ đồng, có nhiều biên bản, quyết định tạm đình chỉ, nhưng trên khu đất nhà ông Hà Kim Duyệt, tình trạng đào xới để lấy quặng vẫn diễn ra. Qua nắm tình hình, việc san gạt, lấy quặng trên khu đất nhà ông Duyệt được thực hiện bởi người đàn ông ở địa phương khác. Trước Tết, khi thấy việc san gạt, vận chuyển đất đá tại đây, tôi đã báo cáo (qua điện thoại) lên huyện. Đến ngày 11/2, khi đi qua, tôi vẫn thấy họ làm nên bảo tạm dừng lại”, ông Tân Khải Hồng, Chủ tịch UBND xã Văn Luông cho biết.
Ngày 12/2/2019, sau khi làm việc với ông Tân Khải Hồng, phóng viên xuống thực tế, việc san gạt vẫn diễn ra. Tại hiện trường, bùn đất được bóc ra, đổ xuống sông Bứa, làm ảnh hưởng tới dòng chảy. Trên khu đất, loại đất màu nâu xám (nghi là quặng talc) lộ với trữ lượng lớn. Cạnh đó là những chiếc hố sâu 10m, có dấu hiệu của việc “móc ruột” khoáng sản.
Ngay sau khi nắm được thông tin về vụ việc, phóng viên đã phản ánh lên lãnh đạo huyện Tân Sơn. Thông tin mới nhất được biết, ngay trong ngày 12/2, UBND xã Văn Luông đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động san gạt, hạ cốt trên khu đất của hộ gia đình ông Hà Kim Duyệt. Chiều cùng ngày, huyện Tân Sơn cũng cử cán bộ về kiểm tra, lập biên bản, sau đó ra quyết định đình chỉ việc san gạt, hạ cốt tại khu đất này.