Vay nhiều tỷ đồng bằng hợp đồng "ma"
Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam bốn đối tượng: Cao Bạch Mai (53 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật; Trần Thị Xuân (48 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân; Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH Phát Long (cùng ở huyện Cư Jút, Đắk Nông), và Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm HTX Sông Cầu (Gia Nghĩa, Đắk Nông) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, trong thời gian từ năm 2009 đến ngày bị bắt, các đối tượng trên đã câu kết, làm giả một số hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, chủ yếu là cà phê và cao su với các đối tác người nước ngoài, nhằm "phù phép" hồ sơ thế chấp ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông để vay vốn ưu đãi rồi chiếm đoạt chi tiêu cá nhân, sử dụng trái phép nguồn vốn dẫn đến mất khả năng thanh toán. Trong đó, "đại gia" Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật là người có số lượng vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam với số tiền nhiều tỷ đồng.
Có thể nhận thấy, giai đoạn 2009, thời điểm vay vốn bình thường ở các ngân hàng thương mại với mức lãi suất 6,9%/năm thì Cao Bạch Mai đã nghĩ ra cách rút vốn ưu đãi ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông với mức lãi suất hỗ trợ ưu tiên 4%/năm.
Nếu tính đơn giản là chỉ cần rút tiền từ ngân hàng ra cho vay lại thôi trong con số hàng ngàn tỷ đồng ấy, Cao Bạch Mai cũng đã kiếm lợi được gần trăm tỷ đồng. Vì lợi nhuận cao như thế nên lẽ tất nhiên để làm được điều đó, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân cùng một số "đại gia" khác phải "biết điều".
Để được ưu đãi vốn, trước hết phải được sự hỗ trợ của những cán bộ ngân hàng và tiếp đó là các bước thủ tục để giải ngân nguồn vốn quý này tại các Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở địa phương. Đối với khoản cho vay việc hỗ trợ xuất khẩu nông sản thì điều bắt buộc là phải có hợp đồng ngoại thể hiện việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Để hợp lý hóa hồ sơ, Cao Bạch Mai cùng các "đại gia" khác đã soạn ra hàng chục hợp đồng giả ký kết với các doanh nghiệp nước ngoài rồi được sự "hỗ trợ" thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan để hoàn thành việc mua bán xuất khẩu ra nước ngoài.
Lộ tẩy các cán bộ ngân hàng tiếp tay
Ngày 7/2, trao đổi với PV Báo Công an nhân dân tại Tây Nguyên, liên quan đến vụ lừa đảo vay vốn của Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam thêm 2 đối tượng: Vũ Việt Hùng (nguyên Giám đốc) và Trần Xuân Lộc (Trưởng phòng Tín dụng) Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông về hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng và hành vi nhận hối lộ.
Trước đó, ngân hàng cấp trên đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Việt Hùng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan Công an. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, từ năm 2009 đến 2011, ông Hùng và ông Lộc đã tiếp tay cho các "đại gia" Trần Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân; Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH Phát Long; bà Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật (Đắk Nông) vay tổng số tiền nhiều tỉ đồng.
Để vay được số tiền này, những người trên đã "chung chi" cho hai lãnh đạo này không ít. Để làm rõ được những thủ đoạn lừa đảo và sự tiếp tay của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông và các đơn vị khác đã phải hết sức vất vả tiến hành điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ. Đến nay, cơ quan CSĐT đã kê biên thu hồi được khoản tiền và tài sản trị giá gần 300 tỷ đồng bị thất thoát và sử dụng sai mục đích của các đối tượng lừa đảo.
Đây cũng là một thành tích đáng ghi nhận của Công an Đắk Nông trong việc xử lý vụ án kinh tế này.
Thiếu tướng Võ Anh Đủ - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Cơ quan CSĐT Công an Đắk Nông sẽ làm đến nơi đến chốn và xử lý nghiêm minh theo pháp luật, bất kỳ người vi phạm là ai cũng phải xử lý.
Theo cand.com.vn