Trong vụ 4 chiếc tàu đánh cá của ngư dân Kiên Giang bị bắt tại Indonesia hồi đầu năm nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang vừa quyết định khởi tố vụ án hình sự có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương. Theo điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang: Ngày 30/8/2013, tại Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang trao giấy phép của Tổng cục Thủy sản cho 8 tàu cá đi khai thác thủy sản hợp pháp ở ngư trường nước bạn Indonesia với thời hạn 12 tháng. Chủ nhân của 8 tàu cá này là ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá và ông Trần Hon ở phường An Hòa, thành phố Rạch Giá (mỗi người 4 chiếc tàu).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư Đại Dương (địa chỉ số 634, Hùng Vương, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) hoàn tất các thủ tục pháp lý cho ông Ngữ và ông Hon đưa tàu cá đi khai thác đánh bắt ở ngư trường Indonesia sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Biển và Nghề cá nước này và được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
Địa chỉ 634 Hùng Vương, Nhơn Phú là trụ sở công ty Mỹ Đức chứ không phải công ty Đại Dương và Giấy phép của Tổng cục Thủy sản. Ảnh: baophapluat.vn |
Tuy nhiên, chỉ mới sau vài tháng thực hiện hợp đồng, ngày 4/1/2014, khi đang đánh bắt trên ngư trường thì 4 chiếc tàu của 2 ông Trương Văn Ngữ và Trần Hon bị Cảnh sát biển Indonesia bắt giữ cùng 61 thuyền viên. Sau khi xảy ra sự cố 4 chiếc tàu bị bắt, ông Ngữ và ông Hon ra Quy Nhơn - Bình Định để gặp ông Đỗ Anh Dũng bàn cách giải quyết đưa tàu và thuyền viên về nước. Thế nhưng, khi tìm đến địa chỉ số 634, Hùng Vương (phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thì đây là trụ sở của Công ty Cổ phần khoáng sản Mỹ Đức, không phải trụ sở Công ty Cổ phần đầu tư Đại Dương.
Để làm hồ sơ thủ tục đưa tàu đi khai thác hợp pháp trên ngư trường Indonesia, ông Hon và ông Ngữ, mỗi người đóng cho Công ty Cổ phần đầu tư Đại Dương 90.000 USD, sau 3 tháng đánh bắt đóng thêm 30.000 USD (10.000 USD/tháng), tổng cộng 120.000 USD. Sau khi tàu cá bị bắt, ông Ngữ và ông Hoan nhờ các cơ quan chức năng trong nước và nước sở tại can thiệp, giải quyết nhưng phía Công ty PT Papua Fishery Development - Indonesia không đồng ý trả tàu với lý do 4 chiếc tàu này họ đã mua của Công ty Cổ phần đầu tư Đại Đương.
Theo ông Trương Văn Ngữ, trong quá trình giải quyết vụ việc tàu cá bị bắt ở Indonesia để đưa tàu và thuyền viên về nước, ông mới phát hiện tàu cá của mình bị Công ty Cổ phần đầu tư Đại Dương bán cho Papua trước khi đưa tàu sang ngư trường Indonesia khai thác đánh bắt. Trước đó, trong 2 năm (2011 - 2012), Công ty Cổ phần đầu tư Đại Dương đã làm mọi thủ tục để bán tàu, nhưng ông và ông Trần Hon không hay biết gì.
Tin tưởng ủy quyền cho Công ty Cổ phần đầu tư Đại Dương hoàn thành thủ tục đánh bắt hợp pháp và được Tổng cục Thủy sản cấp giấy phép, không nghĩ tới chuyện bị lừa đảo bán tàu của mình ra nước ngoài, khi đi sang Indonesia tìm tàu thì phát hiện 4 chiếc tàu bị bắt đã được đăng kiểm tại Cảng Sunda Kepala, với tên của chủ tàu là Công ty TNHH Papua Fishery Deverlopment. Thông số kỹ thuật của 4 tàu giống y nguyên với Giấy chứng nhận đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp. Theo công hàm của Phòng đăng ký và lưu trữ tên tàu biển tại Jakarta, Indonesia thì xuất xứ của 4 chiếc tàu thuộc sở hữu Công ty Papua và số tiền Công ty Cổ phần đầu tư Đại Dương bán tàu chỉ với giá 18.000 - 20.000 USD/chiếc, trong khi đó, giá trị mỗi chiếc tàu của hai ông hiện nay từ 8 - 10 tỷ đồng.
Như vậy, ngoài việc 4 con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng trước nguy cơ bị mất, khó thu hồi lại được, hai ông Trương Văn Ngữ và Trần Hon còn mất trắng 240.000 USD đã đóng cho Công ty Cổ phần đầu tư Đại Dương. Hành vi của ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đại Dương có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố vụ án hình sự và điều tra theo luật định.
Lê Huy Hải (TTXVN)