Hiện nay, nạn khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô, thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông diễn ra rất nghiêm trọng, gây sạt lở và làm biến mất gần 100 ha đất nông nghiệp của người dân địa phương.
Sông Krông Nô là ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Việc khai thác cát trên địa bàn huyện Krông Nô diễn ra rất sôi động, tuy nhiên, các đơn vị được cấp giấy phép khai thác chỉ đếm trên đầu ngón tay, với 3 doanh nghiệp được cấp giấy phép. Như vậy, hầu hết các đơn vị, cá nhân đều khai thác “chui”. Chính vì khai thác không có giấy phép nên những đơn vị trên đã tìm mọi cách “triệt hạ”, hút sâu vào bờ lấy cát. Hậu quả là mỗi năm có hàng chục hécta hoa màu của người dân dọc dòng sông Krông Nô thiệt hại, gây xáo trộn sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.
Ông Hà Trung Thành, hộ dân bị sạt lở mất gần 1 ha đất cho biết: Đất, hoa màu bị sạt lở do người ta hút cát lậu. Bà con không biết làm gì trước hành động khai thác trái phép của nhiều tàu, ghe đến từ khắp nơi. Chúng tôi nhiều lần báo cáo lên chính quyền xã nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết dứt điểm.
Cũng theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống hoặc có rẫy dọc sông Krông Nô, trước hành động hung hãn của những kẻ khai thác trộm, bà con chỉ biết đứng nhìn chứ không dám đuổi đi.
Ông Dương Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah cho biết: Tình trạng khai thác cát dọc sông Krông Nô diễn ra nhiều năm nay khiến người dân và chính quyền địa phương rất bức xúc. Chính quyền xã liên tục phát hiện, bắt nhiều vụ khai thác cát trái phép gây sạt lở đất của người dân rồi bàn giao cho cấp trên có thẩm quyền xử lý. Nhưng sau đó, tình trạng khai thác trái phép vẫn cứ tiếp tục diễn ra khiến gần 100 ha đất nông nghiệp của bà con bị trôi theo dòng nước. Mất đất là mất thêm một phần thu nhập, bà con buồn lắm.
Ông Lực cho biết thêm: Địa phương đã đề nghị cấp trên hỗ trợ lực lượng để kiểm tra, xử lý khai thác cát lậu. Hiện nay, lòng sông Krông Nô hầu như hết cát nên những người hút cát lại hút ở hai bên bờ sông, gây sạt lở rộng vào sâu phần đất sản xuất người dân. Tại thời điểm các tàu, bè khai thác trộm, lực lượng của xã mỏng nên việc kiểm tra thường xuyên không xuể, trong khi đó bên khai thác cát lậu có từ 50 - 70 tàu cát, hoạt động chủ yếu từ 3 giờ sáng rồi rút về địa phận Đắk Lắk. Chúng tôi đề xuất cấp trên phải có sự phối hợp hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk xây dựng kế hoạch khai thác, không được khai thác nếu không đúng quy chuẩn và có biện pháp xử lý mạnh; cần có quy hoạch và bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng mất đất...
Trước năm 2005, chiều rộng sông Krông Nô khoảng 30 m nhưng đến thời điểm này, nạn khai thác cát lậu khiến mặt sông đã bị sạt lở ăn sâu vào bờ hơn 100 m, lòng sông bị biến dạng có chỗ rất rộng; đặc biệt có nhiều đoạn sạt lở tạo thành những vực sâu, sụt lún tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân đi lại. Hầu hết những tàu, bè hút cát này đều là của các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác cát ở tỉnh Đắk Lắk. Lợi dụng sông nước, địa bàn giáp ranh, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động khai thác cát dọc bên kia bờ sông Krông Nô, thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk, ồ ạt chạy sang bên kia bờ sông Krông Nô để khai hút cát trái phép vào rạng sáng, từ 3 giờ đến 9 giờ cùng ngày, rồi trở lại.
Trước tình trạng khai thác cát "chui", không có quy hoạch, cơ quan chức năng hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cần sớm vào cuộc, phối hợp và có biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn, xử nghiêm tình trạng này.
K’GỬIH