Khó xử phạt
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, thành phố hiện vẫn còn gần 22.000 xe (trong tổng số 34.200 xe) chưa lắp camera giám sát hành trình theo quy định tại Nghị định 10/CP/2020, trong đó đa phần là xe hợp đồng (hơn 18.000 xe). Mặc dù Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các lực lượng ngành Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tập trung vào xe hợp đồng lưu thông trên đường vì tỷ lệ loại xe này lắp đặt thấp, nhưng kết quả không như mong đợi.
Còn tại các tỉnh như: Quảng Ninh đã lắp được 1.981/2.029 xe, số còn lại do ảnh hưởng của dịch đang dừng hoạt động; Hải Phòng lắp được 13.000/16.000 xe... Riêng TP Hồ Chí Minh mới có 2.183/51.879 xe lắp camera giám sát.
Theo quy định, xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1/7/2021. Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500 km, dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa vi phạm. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp thiết bị này đến hết ngày 31/12/2021.
Nghị định 123/CP/2021 cũng quy định, xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng đối với lái xe; 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera. Phương tiện bị thu hồi phù hiệu 1 - 3 tháng.
Đại diện Sở GTVT các địa phương cho biết, từ ngày 1/1/2022 đến nay, Thanh tra các Sở đã bố trí lực lượng tại khu vực các bến xe để xử phạt các xe không lắp camera hoặc có lắp nhưng camera không ghi, không lưu trữ hình ảnh trên xe. Song, việc giám sát không thể kiểm tra được hết tất cả các xe lưu thông. Đơn cử, xe hợp đồng chỉ xin phù hiệu xong chạy không đăng ký nốt ở các bến xe, trong khi phần lớn các xe kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp vẫn "đắp chiếu" vì không có khách trong 2 năm qua...
Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT), từ đầu năm đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera phục vụ công tác quản lý vận tải theo quy định; phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không lắp đặt camera theo đúng quy định kể từ ngày 1/1/2022. Tuy vậy, đến nay vẫn còn khoảng 50.000 xe chưa lắp camera giám sát theo quy định.
Trong tháng 4/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ thực hiện hướng dẫn khai thác, sử dụng phần mềm cho cán bộ quản lý vận tải, lực lượng thanh tra tại Sở GTVT các tỉnh, thành phố. Khi Bộ GTVT phê duyệt sẽ triển khai vận hành chính thức từ ngày 1/5 để phục vụ quản lý và xử phạt vi phạm.
Cũng theo ông Đỗ Công Thủy, khó nhất hiện nay là đối với xe đang chạy, lực lượng chức năng không được dừng xe, nên việc xử lý đối với những xe không lắp phụ thuộc vào công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT trên đường. Trong khi, nhiều lái xe phân trần, do dịch bệnh kéo dài, hoạt động vận tải vắng khách nên chưa lắp và chỉ cam kết lắp trong thời gian sớm nhất...
Lợi ích của camera giám sát
Theo các chuyên gia giao thông, lắp camera giám sát giúp việc kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải và an toàn giao thông của lái xe, doanh nghiệp vận tải hiệu quả hơn. Khi ban hành quy định, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã đánh giá tác động, cũng như lợi ích lâu dài, như việc đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định và các hành vi gây mất an toàn giao thông, hạn chế tai nạn… được kiểm soát.
Bên cạnh đó, camera giám sát giúp quản lý minh bạch, những người tham gia quá trình vận tải sẽ tự giác thay đổi hành vi vi phạm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến người và phương tiện kinh doanh vận tải; hỗ trợ cơ quan chức năng trích xuất dữ liệu camera để phục vụ điều tra nguyên nhân tai nạn...
Ngoài ra, việc lắp camera giám sát sẽ đem lại lợi ích lâu dài khác cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giúp đơn vị quản lý tốt nguồn nhân lực, xây dựng và củng cố được thương hiệu trên thị trường; ngăn ngừa được các vi phạm của lái xe, phụ xe. Khi không may tai nạn xảy ra do lỗi của lái xe, việc đền bù và các chi phí phát sinh còn lớn hơn nhiều chi phí lắp camera giám sát. Nhìn tổng thể về kinh tế, việc lắp camera giám sát có thể là nguồn đầu tư ban đầu, nhưng giá trị được mang lại kéo dài trong nhiều năm.
Thực tế trên cho thấy, quy định của Chính phủ đã được ban hành, không thể không thực hiện. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp vận tải thấy và hiểu được tác dụng, lợi ích của việc lắp camera giám sát. Khi Nghị định đã đi vào cuộc sống, lực lượng chức năng, cơ quan quản lý bến xe, cơ quan cấp giấy tờ về kinh doanh vận tải vừa vận động, hướng dẫn, vừa bắt buộc đối tượng liên quan phải thực hiện. Việc quản lý thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp vận tải chung tay đóng góp vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng không để các hoạt động tự do gây mất an toàn giao thông.