Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Trong đó, có quy định về ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông.
Bộ Giao thông vận tải trên tinh thần là tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp. Trước đây, việc lắp camera giám sát trên xe của các doanh nghiệp là tự phát, mỗi doanh nghiệp lắp một kiểu, không có tiêu chuẩn đồng nhất. Vì vậy, khi có quy định pháp luật về vấn đề này, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại để có lộ trình thực hiện.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, đơn cử, doanh nghiệp đang có 100 đầu xe kinh doanh vận tải, nhưng do gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp sẽ ưu tiên lắp đặt 50% số lượng xe hoặc nhiều hơn tùy vào tình hình. Khi dịch được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục lắp đặt số phương tiện còn lại. Cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính sau ngày 31/12/2021 đối với những xe lưu thông kinh doanh vận tải trên đường.
Thông kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm 14/12/2021 có 15 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ đã lắp đặt camera giám sát trên phương tiện kinh doanh đang hoạt động đạt trên 70%.
Cụ thể các địa phương này gồm: Bạc Liêu (đạt 100%), Kiên Giang (đạt 100%), Hậu Giang (đạt 100%), Nam Định (gần 97%), Ninh Thuận (gần 94%), Hà Tĩnh (hơn 91%), Lai Châu (gần 90%), Nghệ An (hơn 88%), An Giang (hơn 84%), Trà Vinh (gần 80%), Cao Bằng (hơn 76%), Lâm Đồng (gần 75%), Đắk Lắk (gần 75%), Hưng Yên (hơn 72%), Khánh Hòa (hơn 71%).
Như vậy, trong số các tỉnh có tỷ lệ xe lắp camera cao, đã có 3 tỉnh cán đích lắp camera giám sát trên xe hoạt động thuộc diện phải lắp theo quy định là: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, mặc dù Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều văn bản yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình, nhưng tỷ lệ lắp vẫn chưa cao.
Số phương tiện đang hoạt động của 58 địa phương (trừ các địa phương gồm: Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng do chưa thống kê được) là hơn 79.700 xe. Tổng số phương tiện đã lắp camera của 58 địa phương hơn 35.800 xe, đạt tỷ lệ gần 45%.
Đến nay, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera dù đã có cải thiện so với tháng 10/2021 nhưng đạt tỷ lệ chưa cao. Để đảm bảo tiến độ lắp đặt camera đúng theo quy định tại Nghị định số10/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ (Nghị quyết 66/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp đặt camera trên phương tiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Trước đó, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 66 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021. Theo đó, để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong nghị quyết này Chính phủ đã cho phép quyết định lùi xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát trên xe tải, xe khách quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2021...