Nhiều địa phương đạt tỷ lệ lắp camera thấp
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) thống kê, cả nước có khoảng 200.000 xe thuộc diện phải lắp camera, nhưng tại nhiều địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp vận tải chấp hành thấp. Các địa phương báo cáo, các doanh nghiệp vận tải, lái xe đến nay chưa lắp đặt camera đều đưa ra lý do là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư hoạt động và bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tại Hà Nội, theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện mới có gần 11.000/34.151 xe đã lắp camera, đạt tỷ lệ gần 30%. Nguyên nhân các doanh nghiệp vận tải nêu đều do dịch bệnh đang phức tạp hơn, nên “nghe ngóng” đợi điều chỉnh của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ, Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội là sẽ không tiếp tục kéo dài thêm thời gian lắp đặt camera. Chủ trương này theo yêu cầu tiến độ của Chính phủ là cần thiết, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera đạt thấp hơn nhiều so với tổng phương tiện phải lắp đặt, với số xe của các doanh nghiệp đạt khoảng 60%, xe hộ kinh doanh đạt khoảng 30% hay tỉnh Bắc Giang hiện mới có khoảng 300 xe lắp, đạt dưới 10%.
Tại khu vực phía Nam cũng tương tự, điển hình là TP Hồ Chí Minh mới có trên 2.183/51.879 xe lắp; tỉnh Long An cũng mới có 90/1.356 xe kinh doanh vận tải lắp đặt camera…
TCĐBVN vừa có văn bản đề nghị 15 tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo việc lắp đặt camera giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải trước ngày 31/12/2021 theo quy định tại Nghị định 10/CP/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải gồm: Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An.
Trước đó, TCĐBVN đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải trong cả nước từ ngày 13/12/2021. Đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể tỷ lệ phương tiện lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải của cả nước.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội, thời điểm sau ngày 31/12/2021, lực lượng CSGT sẽ thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 10/CP và Nghị định 100/CP.
Còn theo đại diện các trung tâm đăng kiểm, việc lắp đặt camera giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp đã được tuyên truyền sâu rộng từ tháng 7/2021. Sau ngày 31/12/2021, nếu xe không lắp sẽ không được tiếp nhận kiểm định. Vì vậy, các chủ phương tiện nên hoàn thành trong thời hạn quy định để tránh nảy sinh xử phạt, từ chối đăng kiểm.
Lợi ích lâu dài
Theo các chuyên gia giao thông, lắp camera giám sát giúp việc kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải và an toàn giao thông của lái xe, doanh nghiệp vận tải hiệu quả hơn. Khi ban hành quy định, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã đánh giá tác động, cũng như lợi ích lâu dài, như việc đón trả khách không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định và các hành vi gây mất an toàn giao thông, hạn chế tai nạn… được kiểm soát.
Bên cạnh đó, camera giám sát giúp quản lý minh bạch, những người tham gia quá trình vận tải sẽ tự giác thay đổi hành vi vi phạm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến người và phương tiện kinh doanh vận tải; hỗ trợ cơ quan chức năng trích xuất dữ liệu camera để phục vụ điều tra nguyên nhân tai nạn...
Ngoài ra, việc lắp camera giám sát sẽ đem lại lợi ích lâu dài khác cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giúp đơn vị quản lý tốt nguồn nhân lực, xây dựng và củng cố được thương hiệu trên thị trường; ngăn ngừa được các vi phạm của lái xe, phụ xe. Khi không may tai nạn xảy ra do lỗi của lái xe, việc đền bù và các chi phí phát sinh còn lớn hơn nhiều chi phí lắp camera giám sát. Nhìn tổng thể về kinh tế, việc lắp camera giám sát có thể là nguồn đầu tư ban đầu, nhưng giá trị được mang lại kéo dài trong nhiều năm.
Thượng tá Lê Huy Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông (Học viện Cảnh sát nhân dân-Bộ Công an) cho biết, quy định của Chính phủ đã được ban hành, không thể không thực hiện. Trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp vận tải thấy và hiểu được tác dụng, lợi ích của việc lắp camera giám sát. Khi Nghị định đã đi vào cuộc sống, lực lượng chức năng, cơ quan quản lý bến xe, cơ quan cấp giấy tờ về kinh doanh vận tải vừa vận động, vừa hướng dẫn và vừa bắt buộc đối tượng liên quan phải thực hiện. Việc quản lý thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp vận tải chung tay đóng góp vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng không để các hoạt động tự do gây mất an toàn giao thông.