Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ xung quanh vấn đề này.
Chỉ còn đúng 1 tháng để doanh nghiệp kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị camera giám sát trên các ô tô kinh doanh vận tải. Thứ trưởng có thể chia sẻ quan điểm về kiến nghị của nhiều Hiệp hội vận tải địa phương xin lùi thời gian lắp đặt này?
Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là phải thực hiện nghiêm Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; trong đó, có quy định về ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông.
Vừa qua, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói riêng đều thuộc đối tượng được hưởng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ; trong đó, có Nghị quyết 105/2021/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Tiếp theo, chủ trương của Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lắp camera đã được cụ thể hóa tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì chúng ta phải thực hiện nghiêm chỉnh.
Quy định trên đáng lẽ phải được thực hiện từ 1/7/2021, nhưng để tháo gỡ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp như: giảm phí đường bộ, giảm phí bảo trì đường bộ, giảm thuế cho doanh nghiệp… Đặc biệt, thời hạn lắp camera cũng được Chính phủ cho lùi thêm 6 tháng đến ngày 31/12/2021. Tức là trong thời hạn trên, các cơ quan chức năng không tiến hành xử phạt các doanh nghiệp chưa lắp camera giám sát… Đây là thời gian đủ để các doanh nghiệp tổ chức lắp thiết bị này.
Đến thời điểm này, chỉ còn một tháng nữa là hết thời gian lùi việc lắp đặt. Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là phải thực hiện nghiêm bởi việc lắp đặt này được kỳ vọng rất lớn. Thực tiễn vừa qua cho thấy, những doanh nghiệp đã lắp camera giám sát có thể quản lý tốt phương tiện và an toàn giao thông. Đặc biệt, việc lắp đặt này giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng kết nối về dữ liệu để xử lý an toàn giao thông, an ninh trật tự, nhất là giúp người tham gia giao thông quản lý chính mình trong điều khiển phương tiện…
Chính phủ đã xem xét hết sức thận trọng, cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp vận tải để gia hạn thêm 6 tháng. Vì thế, không còn lý do để chúng ta lại trì hoãn vấn đề này.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải phối hợp với các doanh nghiệp triển khai việc lắp đặt camera giám sát trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là đến 31/12/2021, tất cả các xe kinh doanh vận tải phải được lắp đặt camera giám sát theo đúng quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Hiện cả nước có khoảng trên 200.000 xe, nhưng đến hết tháng 11/2021, mới có hơn 25.000 xe lắp đặt camera theo quy định, chiếm hơn 12%. Tuy nhiên, từ cuối tháng 11 vừa qua, sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các Sở Giao thông vận tải địa phương thì tốc độ lắp đặt đã được đẩy nhanh.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia giao thông thì việc lắp đặt thiết bị camera giám sát có ý nghĩa lớn trong việc phòng dịch COVID-19. Thứ trưởng đánh giá vấn đề này như thế nào?
Trong quá trình chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực vận tải, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy việc lắp đặt thiết bị camera giám sát có ý nghĩa rất lớn. Cụ thể, qua thiết bị camera giám sát giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn người điều khiển phương tiện trong phòng, chống dịch, nhất là vấn đề truy vết, khai báo y tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì việc đẩy mạnh lắp đặt camera giám sát phải càng thực hiện khẩn trương hơn. Đây là giải pháp góp phần cho chính doanh nghiệp, người lái xe yên tâm hơn trong quá trình tham gia lưu thông, kinh doanh vận tải.
Ngoài ra, thiết bị camera giám sát giúp hạn chế các tình huống về an ninh trật tự. Cụ thể như vừa qua, nhờ thiết bị camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình trên xe mà cơ quan chức năng có thể truy vết nhiều đối tượng vi phạm pháp luật. Đây là giải pháp góp phần răn đe rất cao các đối tượng có ý định vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia giao thông.
Thực tế có những băn khoăn về sự lãng phí xã hội bởi trước đó nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát. Tuy nhiên, với các tiêu chuẩn hiện nay thì nhiều thiết bị phải thay thế. Thứ trưởng có thể cho biết giải pháp xử lý vấn đề này như thế nào?
Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là tạo điều kiện tối đa trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thiết bị camera giám sát được lắp lần này của doanh nghiêp phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn mà văn bản pháp luật và các quy định cơ quan chuyên ngành đưa ra. Cụ thể như thiết bị đó phải có khả năng kết nối đồng bộ và truyền dữ liệu về máy chủ của cơ quan chức năng. Độ nét, độ quét của camera… phải đáp ứng được tiêu chuẩn. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện rà soát những thiết bị nào không đảm bảo thì phải thay thế.
Trước đây, việc lắp camera giám sát trên xe của các doanh nghiệp là tự phát, mỗi doanh nghiệp lắp một kiểu, không có tiêu chuẩn đồng nhất. Vì vậy, khi có quy định pháp luật về vấn đề này thì buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại để có lộ trình thực hiện.
Đơn cử như doanh nghiệp đang có 100 đầu xe kinh doanh vận tải, nhưng do gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên lắp đặt 50% số lượng xe hoặc nhiều hơn tùy vào tình hình. Khi dịch được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục lắp đặt số phương tiện còn lại. Cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính sau ngày 31/12/2021 đối với những xe lưu thông kinh doanh vận tải trên đường.
Đối tượng đặt ra về lắp đặt thiết bị camera giám sát là rất cụ thể, ở đây là các ô tô kinh doanh vận tải nên doanh nghiệp phải tính toán hiệu quả để lắp đặt cho các xe đang kinh doanh. Với những xe tạm dừng kinh doanh, doanh nghiệp có thể tính toán lộ trình lắp đặt, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.
Chính phủ khi ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã đưa ra lộ trình để doanh nghiệp có sự chuẩn bi. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đã được ban hành. Nếu quy định pháp luật không tuân thủ thực hiện sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật không nghiêm.
Xin cám ơn Thứ trưởng.