Sự việc xảy ra mới đây tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, phường 14, quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh), sau đó được lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận bất bình.
Theo đó, trong đoạn clip dài hơn 1 phút cho thấy người đàn ông trong trang phục bảo vệ dân phố đã đánh vào mặt, đầu của 2 thiếu niên đang ngồi trên ghế trong phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Nguyên do 2 thiếu niên này đã nhiều lần leo rào, trộm tài sản của nhà trường THCS Nguyễn Văn Tố như vợt cầu lông, máy tính casio, giày.
“Theo quy định pháp luật, khi phát hiện và bắt giữ được nghi phạm, nhóm bảo vệ dân phố sẽ phải dẫn giải đối tượng tình nghi về trụ sở công an để lập hồ sơ ban đầu, sau đó sẽ di lý, bàn giao đối tượng cho cơ quan cấp trên nếu có căn cứ xác định có hành vi phạm tội. Khi phát hiện sự việc, Ban Giám hiệu trường phải có mặt để xử lý để không xảy ra tình trạng trên”, luật sư Nguyễn Thị Hường cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Thị Hường, hành vi trên là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh, trong đó những người trực tiếp có dấu hiệu của tội hành hạ người khác và cố ý gây thương tích. Cơ quan chức năng cần phải giám định thương tích của các nạn nhân hoặc có đơn yêu cầu khởi tố của gia đình các nạn nhân (vì là những người dưới 16 tuổi). Ngoài ra, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và của Ban Chỉ huy Công an phường 14.
Giới luật sư cho rằng: Hành động của 2 thiếu niên trên có thể chưa đúng nhưng hành vi đánh các cháu như thế là vi phạm pháp luật. Lực lượng tổ dân phố chỉ là bảo vệ dân cư, khu phố, nếu có phát hiện hành vi của ai đó, có vi phạm pháp luật, thì cần dẫn giải lên cơ quan công an địa phương giải quyết. Nếu trẻ vị thành niên, cần người giám hộ, gia đình... để giải quyết sự việc.
Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi; phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp gây thương tích dưới 11%, nạn nhân có đơn yêu cầu khởi tố hình sự thì Cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành khởi tố theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tại Điều 155 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.
Theo thông tin từ lãnh đạo UBND Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, 4 thành viên tổ bảo vệ dân phố đã bị đình chỉ công tác. Tổ viên Trần Quốc Hùng được ghi nhận trong clip là người đánh cháu bé. Ngoài ông Hùng, 3 bảo vệ dân phố còn lại cũng phải giải trình tại sao có mặt chứng kiến sự việc mà không can ngăn. Các cá nhân liên quan sau khi giải trình, cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý tiếp theo.
Điều 12 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của trẻ em như sau: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này. Khoản 2 điều 12 đã liệt kê cụ thể những tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 phải chịu TNHS nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý đối với đối tượng này theo tinh thần của Hiếp pháp năm 2013 và Công ước của LHQ về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.