Giải mã “giếng khoan bí ẩn” ở Phú Yên

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm về hiện tượng giếng khoan của một hộ dân tại thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An (Phú Yên) tự phun nước khi một số trang báo điện tử đưa tin và nhận định là “bất thường”, thậm chí có tin: “Giếng nước bí ẩn, tự phun nước như ma làm”. Tuy nhiên, qua cơ quan chức năng và tài liệu khoa học, có thể khẳng định hiện tượng giếng khoan tự phun nước là hoàn toàn tự nhiên.

 

Giếng khoan nhà ông Thương tự động phun xối xả lên mặt đất. Ảnh: kienthuc


Giếng nước có hiện tượng tự phun trên là của gia đình ông Hồ Văn Thương. Tháng 4/2014, gia đình ông khoan giếng để lấy nước sinh hoạt, rất bất ngờ khi đến độ sâu khoảng 24 m, mạch nước tự phun trào lên mặt đất. Do lượng nước phun mạnh, không dùng hết nên ông Thương cho 6 gia đình khác trong xóm lắp đường ống dẫn nước về nhà dùng.


Trả lời phóng viên TTXVN về hiện tượng này, ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) khẳng định: Hiện tượng nước tự phun là do áp lực tự nhiên. Trước đây, trung tâm đã từng khoan thăm dò để thực hiện xây dựng các công trình cấp nước cho nhân dân ở hai xã An Hòa và An Mỹ (huyện Tuy An), cũng có hiện tượng nước tự phun lên. Hiện nay, các giếng khoan thăm dò này vẫn được trung tâm theo dõi. Thời điểm năm 2008 - 2009, theo đánh giá của tổ chức JICA (Nhật Bản), khu vực xã An Mỹ nằm trên một dải nước ngầm lớn. Nhiều khả năng giếng nước của gia đình ông Thương nằm trong khu vực này.


Theo tài liệu “Nghiên cứu và khai thác nước ngầm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ” do tổ chức JICA (Nhật Bản) thực hiện mà ông Hồ Hữu Như cung cấp, lượng nước ngầm tại xã An Mỹ là tương đối lớn. Nếu chỉ cần đặt 3 giếng khoan cách nhau 500 m về phía thung lũng (phía núi) thì có thể khai thác được lượng nước là 1.382 m3/ngày và đủ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân xã này.


Trước sự lo lắng của gia đình ông Hồ Văn Thương về việc nước sẽ phun mạnh vào mùa mưa và ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình, ông Hồ Hữu Như cho biết: Lượng nước sẽ phun mạnh hơn nhưng không nhiều so với hiện tại. Chúng tôi sẽ có kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh để hỗ trợ gia đình một số thiết bị như: Đồng hồ đo áp lực, ống dẫn nước… để bảo đảm an toàn. Nếu có điều kiện, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên sẽ khảo sát, đánh giá lượng nước và chất lượng nguồn nước để phối hợp với chính quyền địa phương triển khai cấp nước cho các hộ dân xung quanh.


Ông Như cũng khuyến cáo thêm: Trước mắt, nước ở đây trong, không màu, không mùi, không vị, theo khái niệm nước hợp vệ sinh thì các hộ dân có thể sử dụng ăn uống bình thường thông qua đun sôi. Về lâu dài, cần lấy mẫu nước xét nghiệm các chỉ số hóa, lý để có kết luận chính xác nhất về độ an toàn của nguồn nước.


Vũ Xuân Triệu

Ngăn chặn tình trạng khoan giếng bừa bãi lấy nước tưới cà phê

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra tình trạng nhiều nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê tự động tổ chức khoan giếng tràn lan để lấy nước tưới cho cà phê, làm suy giảm tài nguyên nước ngầm và sạt lở đất nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN