Đường chờ vốn, dân khốn đốn

Tuyến đường liên huyện ĐH05 chạy qua địa phận 3 xã Công Lý, Nguyên Lý, Đức Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân mỗi khi lưu thông. Trên tuyến đường này có đến 5 trường tiểu học và trung học cơ sở, 2 trạm y tế, 2 trụ sở UBND xã. Đây cũng là tuyến đường chính vận chuyển sản phẩm của người dân làng Chều chuyên sản xuất bánh đa nem truyền thống.

 

Khó tìm được một chỗ bằng phẳng trên đoạn đường này.


Tuyến đường có chiều dài 6 km, điểm đầu từ dốc Mạc, giáp quốc lộ 38B (xã Công Lý), đi qua xã Nguyên Lý và điểm cuối là đường ĐT491 (xã Đức Lý). Năm 2011, UBND huyện Lý Nhân triển khai Dự án xây dựng đường giao thông nông thôn sử dụng trái phiếu Chính phủ, tuyến đường được mở rộng từ 3,3 m lên thành 7,5 m. Khi được cấp ủy và chính quyền các xã có tuyến đường đi qua vận động hiến đất làm đường, nhiều người dân sinh sống hai bên đường đã tích cực hưởng ứng.


Giải phóng mặt bằng xong, đơn vị thi công đã khẩn trương cho máy móc về múc đất, san gạt, đổ đá, làm hoàn chỉnh cốt đường trong một thời gian ngắn. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn thành sau khi đổ bê tông mặt đường, nhưng không hiểu sao việc thi công lại bị dừng lại. Con đường bỗng rơi vào tình trạng tồi tệ. Hàng ngày, hàng trăm lượt xe tải chở cát từ hai bãi cát Trần Xá và Nga Khê lưu thông qua đã băm nát tuyến đường, tạo ra những thùng vũng lớn liên tiếp, dày đặc. Ngày nắng thì bụi mù mịt, còn ngày mưa hình thành những hố nước đọng tồn tại hàng tuần. Thậm chí, nhiều đoạn “ổ voi” nằm choán hết lòng đường khiến nhiều người phải xuống xe dắt bộ để bảo đảm an toàn.

 

Những xe tải hạng nặng làm con đường thêm xuống cấp trầm trọng.


Huyện Lý Nhân đã nhiều lần cho đổ đá, san lấp các thùng trũng nhưng cũng chỉ được vài ngày, con đường lại lồi lõm dưới sức nặng của hàng đoàn xe tải chở cát. Người dân ba xã kêu trời khi ngày ngày đi lại, đưa đón con cháu đi học tại các trường học trên tuyến đường. Chuyện va chạm, ngã xe thường xuyên xảy ra khiến người dân bức xúc.


Ông Trương Văn Vẻ, xóm 1, thôn Thư Lâu, xã Nguyên Lý cho biết: “Tôi là một trong những hộ tự nguyện hiến đất làm đường. Tưởng con cháu mình được đi đường rộng, đẹp, đâu ngờ đường sá lại như thế này. Biết thế cứ để đường cũ mà đi, dù nhỏ nhưng cũng còn đi được. Dân kêu xã, xã lại bảo đường của huyện. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới thoát khỏi cảnh này”.


Còn ông Trần Văn Tường, trưởng xóm 1+5, thôn Mão Cầu, xã Nguyên Lý thì than thở: “Bánh đa nem chúng tôi đóng thùng các tông, vận chuyển bằng ô tô mà còn bị vỡ, hàng trả lại không ít, thiệt hại về kinh tế không nhỏ”.


Theo ông Trần Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý, tuyến đường xuống cấp một phần vì thi công dang dở, phần khác là do xe tải chở cát lưu thông hàng ngày. Trước phản ánh của người dân, xã đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị huyện cho hoàn thiện tuyến đường, nếu chưa có điều kiện đổ bê tông thì cũng phải vá những “ổ voi” để người dân còn đi lại.


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Năng, Trưởng Ban quản lý dự án huyện Lý Nhân cho biết: Khi hoàn thành xong nền đường, đơn vị thi công đã cho dừng thi công với lý do chờ lún, khi nào cốt đường ổn định mới đổ bê tông. Thế nhưng, do tuyến đường thi công bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2016, mà hiện nay nguồn vốn huyện được giao đã sử dụng hết nên đành phải chờ giai đoạn tiếp theo. Huyện đang tập trung xây dựng một số công trình phục vụ chương trình nông thôn mới tại các xã khác, chưa thể bố trí vốn hoàn thiện đường ĐH05.


Xem ra, chưa biết đến bao giờ người dân ba xã mới hết khốn đốn khi đi qua tuyến đường này, mà trách nhiệm lại không biết thuộc về ai.

 

Bài và ảnh: Nhật Anh

Tăng cường kiểm soát xe quá tải trên cao tốc TP.HCM-Trung Lương
Tăng cường kiểm soát xe quá tải trên cao tốc TP.HCM-Trung Lương

Mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn yêu cầu khắc phục hiện tượng trên nhưng các đơn vị vẫn chưa triển khai thực hiện điều phối xe tải qua làn bố trí cân một cách nghiêm túc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN