Nghiêm trị “xã hội đen” bảo kê xe quá tải

Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trong buổi họp chiều 30/7 với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Công an cho hay: "Thời gian qua, việc đặt các trạm cân đang vấp phải sự chống đối ghê gớm của nhiều trường hợp, tình trạng tiêu cực, tham nhũng tồn tại khiến các xe vượt trạm cân dễ dàng”.


Ngay lập tức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm tình trạng nêu trên.


Thực tế cho thấy, tình trạng “xã hội đen” dẫn xe trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai diễn ra hết sức công khai trong thời gian gần đây. Hoạt động này ngày càng manh động, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các xe tải được bảo kê đã bất chấp biển cấm, ngang nhiên đi vào đường đang thi công, làm hư hại nhiều đoạn thuộc dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tình trạng trên xảy ra hết sức nghiêm trọng, nhưng các nhà thầu, đơn vị thi công không thể ngăn cản, nên buộc phải kêu cứu Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền sở tại. Phải chăng có sự bao che, sự bảo kê để “xã hội đen” lộng hành?


Không phải chỉ ở tuyến Nội Bài - Lào Cai, kể từ khi Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện cân tải trọng xe, thì nhiều tuyến đường trên toàn quốc đã xuất hiện tình trạng bảo kê, thậm chí có những đoàn “xe vua” hoạt động, bất chấp các quy định của pháp luật. Cách đây chưa lâu, ba cán bộ của trạm cân đóng tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bị đình chỉ công tác do vi phạm trong xử lý xe quá khổ, quá tải.


Gần đây, tại Đồng Nai, Bình Thuận, dư luận phản ánh có tình trạng “xe vua” lộng hành mà chính quyền, cơ quan chức năng địa phương không có sự can thiệp nào. Ai cũng biết, “xe vua” là xe đã được bảo lãnh bởi các cá nhân hoặc đơn vị có thẩm quyền và chủ của những chiếc “xe vua” cũng là người có thế lực. Do vậy, những chiếc xe này tha hồ chở quá tải, chạy bạt mạng, mà không sợ ai đụng đến.


Theo phản ánh của nhiều lái xe, “xe vua” hoạt động theo quy luật riêng của nó. Đối với những doanh nghiệp lớn, có nhiều xe thì sẽ dán tên doanh nghiệp với khổ lớn lên phía đầu xe để phân biệt. Những doanh nghiệp nhỏ hoặc các xe tư nhân muốn tham gia “tập đoàn xe vua” thì phải đóng phí thông qua “cò”, sau đó xe được dán “logo” của một doanh nghiệp vận tải nào đó để dễ phân biệt. Nếu doanh nghiệp, cá nhân nào không đóng phí thì chắc chắn bị phạt, còn doanh nghiệp nào “mua đường” có ký hiệu riêng (logo) thì cứ ung dung vượt trạm.


Tại hội nghị tổng kết 6 tháng triển khai ra quân cân tải trọng xe, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận việc cân tải trọng xe đã phát sinh không ít tiêu cực và hầu như địa phương nào cũng có những đoàn "xe vua" lộng hành, tìm mọi cách chống lực lượng thực thi công vụ. Tình trạng trên không chỉ làm hư hỏng đường bộ, mà còn tạo môi trường kinh doanh vận tải bất bình đẳng, doanh nghiệp kinh doanh đứng đắn chịu thiệt thòi.


Rất nhiều ý kiến đề nghị, các ngành chức năng, địa phương cần kiên quyết làm rõ, ai là người bảo kê cho “xe vua”, bởi nếu không dẹp được “xe vua”, thì không thể giải quyết được triệt để tình trạng xe quá tải hiện nay.


Vì vậy, cùng với việc quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn xe quá tải, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị bao che, tiêu cực, tham nhũng, dư luận đồng tình với phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rằng: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi xảy ra tiêu cực, phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng trên tiếp diễn.


Yến Nhi

Lập 4 đoàn thanh tra xe quá tải, quá khổ
Lập 4 đoàn thanh tra xe quá tải, quá khổ

4 đoàn thanh tra sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ tại 31 địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN