Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển đường nhập lậu, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng mức phạt tiền, hình thức phạt bổ sung với trường hợp cố ý vận chuyển hoặc vận chuyển nhiều lần mặt hàng đường nhập lậu.
Theo Bộ Tài chính, cần có quy định truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như dùng mã QR code,... để giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một các nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống đường nhập lậu, đại diện BCĐ 389 Quốc gia cũng cho rằng: Cần sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với mặt hàng đường, hồ sơ truy xuất phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói với một đơn vị thành viên của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam; đề xuất điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu theo hướng chỉ cho các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá …
Phía Bộ Công Thương cần nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với mặt hàng đường và một số mặt hàng khác liên quan đến thực phẩm, ảnh hướng sức khỏe cộng đồng. Theo đó, nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chí về truy xuất nguồn gốc nước xuất khẩu, qui trình đóng gói, nhãn trên bao bì, tiêu chí về chất lượng sản phẩm.
Theo BCĐ 389 Quốc gia, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đường qua biên giới hiện vẫn phức tạp, có xu hướng tăng. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh tây nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.
Đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước,… Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm trên diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng, phương thức hoạt động tinh vi. Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy hoặc cho người giám sát cơ quan chức năng hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra nên việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn.
Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói, sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ. Theo chủ trương nâng cao quyền tự do kinh doanh của nhà nước, việc cấp phép kinh doanh liên quan đến các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường hiện nay rất dễ dàng theo hướng đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục cấp phép. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu hiện đang dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Các đối tượng này sẵn sàng đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được.
Ngoài ra các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước, đem ra nước ngoài (thường là Campuchia) để "sang bao"; như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh có phải đường lậu hay không. Theo quy định hiện hành, một khi hàng qua hết biên giới có hóa đơn là hợp pháp. Hầu như các cơ quan chức năng hiện nay rơi vào hoàn cảnh ”biết mà không làm gì được”.