Phát biểu thảo luận tại Quốc hội chiều 4/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ, đoàn Bắc Kạn nhận định: “Vừa qua các vụ án giết người xảy ra một cách bất thường. Nguy hiểm nhất là gia tăng các vụ án giết người nhà, giết người thân. Theo thống kê, số lượng các vụ án xảy ra trong gia đình chiếm từ 18- 20%, tức là khoảng 200 vụ/năm , đây là con số rất lớn. Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn đến các vụ án nổi lên thời gian gần đây là nguyên nhân liên quan đến kinh tế".
Dẫn chứng một số có các vụ án thời gian gần đây như: Vụ anh trai giết cả nhà em ruột chỉ vì tranh chấp vài mét đất tại Đan Phượng, Hà Nội hồi đầu tháng 9; ngay sau đó là vụ trọng án tại Thái Nguyên, người anh trai cầm dao truy sát cả gia đình người em gái chỉ vì nợ nần tiền bạc… đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ lo ngại: “Chỉ vì nguyên nhân kinh tế mà các vụ án giết người thân đã mang tính chất thảm sát, giết nhiều người. Những hành vi phạm tội cho thấy thực trạng đáng lo ngại khi nhiều đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam như: Kính trên nhường dưới, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ… đang có chiều hướng mờ nhạt đi. Do đó khi những mâu thuẫn, tranh chấp gia đình xảy ra, tích tụ lâu ngày nếu không được giải quyết rất dễ dẫn tới các hành vi nguy hiểm thậm chí trở thành tội ác. Những vụ án mạng trên đã không còn đơn thuần là những tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình mà ở đây là sự băng hoại về đạo đức, văn hoá gia đình truyền thống…”.
Bên cạnh tình trạng gia tăng các vụ án giết người thân, nhiều vụ án giết người còn xảy ra chỉ vì những mâu thuẫn nhất thời. Nếu trước đây, các vụ án chủ yếu là do mâu thuẫn tích tụ lâu ngày thì gần đây, 40% các vụ là do mâu thuẫn bột phát với lý do rất đơn giản như: Va chạm giao thông, do uống rượu bia hay chỉ là không đồng ý với lời nói, cách ứng xử thậm chí chỉ là ánh nhìn… Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng các đối tượng có thể ra tay một cách quyết liệt, bất chấp, rất tàn ác, giết cả những người không có mâu thuẫn trực tiếp, giết trẻ nhỏ…
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nhận định: “Những vụ án gây rúng động, ghê rợn thời gian qua cho thấy đây là vấn đề có liên quan đến sự xuống cấp về cách ứng xử giữa người với người .Đặc biệt xu hướng trẻ hoá tội phạm giết người khi theo thống kê có tới 60% đối tượng phạm tội giết người ở độ tuổi dưới 30 (trước đây chỉ chiếm khoảng 35%) cho thấy đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ rất đáng báo động.
Nhiều đối tượng dù tuổi còn rất trẻ nhưng thực hiện hành vi giết người rất bình tĩnh, lạnh lùng, không hề ghê rợn. Đáng lưu ý, nhiều vụ việc, người chứng kiến không những không tìm cách trợ giúp mà còn thản nhiên giơ điện thoại quay lại khiến đối tượng càng bị kích động mạnh”.
Theo đó, xu hướng trẻ hoá tội phạm, nhất là trẻ hoá tội phạm giết người có nguyên nhân trước hết từ sự giáo dục trong gia đình, thiếu sự quan tâm, tiếp đó là giáo dục trong nhà trường vẫn nặng về lý thuyết chuyên môn; vấn đề giáo dục nhân cách, giáo dục trách nhiệm của công dân đối với xã hội vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện không ít học sinh quan niệm môn học giáo dục công dân chỉ là môn phụ. Trong khi đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin với những hình ảnh của tội phạm chia sẻ tràn lan trên mạng, hay gần đây có hiện tượng phô trương lối sống giang hồ trên mạng nhưng lại được hàng triệu người xem, quan tâm…
“Tôi đồng tình với quan điểm trong một chừng mực nhất định chúng ta đã chưa thành công trong giáo dục nhân cách con người. Do đó, việc phòng ngừa tội phạm giết người không thể chỉ giao cho một mình các cơ quan tư pháp mà phải là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể, trong đó phải có những giải pháp căn cơ đến từ giáo dục, từ văn hóa mới có thể tạo ra sự chuyển biến của tình hình một cách tích cực và ổn định. Chúng tôi kiến nghị Bộ Công an tổng kết tình hình phạm tội giết người trong thời gian vừa qua và tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp phòng ngừa phù hợp với tình hình mới, trong đó đặc biệt cần chú trọng những biện pháp phòng ngừa xã hội và phân công cụ thể trách nhiệm cho các cấp, các ngành thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đề xuất.