Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 14 cơ sở sửa chữa, “độ xe”, nghi vấn “độ xe”, cơ sở sản xuất kinh doanh linh kiện, phụ tùng liên quan đến việc “độ xe” và phát hiện 77 phương tiện đang sửa chữa, một xe “cọp” đua giải, 20 xe có dấu hiệu thay đổi kết cấu, 28 xe không xuất trình được giấy đăng ký xe, tạm giữ 60 cục máy xe và nhiều linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (50 thùng hàng, trên 11.000 linh kiện, phụ tùng các loại).
Các tổ kiểm tra thuộc Công an thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện cũng đã tiến hành kiểm tra 199 cơ sở trên địa bàn, phát hiện 41 cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh, 21 cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, 4 cơ sở có hệ thống Dyno, 21 xe "độ", 7 xe nghi vấn không nguồn gốc cùng nhiều linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Trong thời gian qua, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ và Công an thành phố Thủ Đức, Công an 21 quận, huyện tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất các các “lò độ”, các tiệm sửa xe nghi “độ xe” và các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ tùng, linh kiện phục vụ “độ xe” trên địa bàn thành phố. Qua đó, phát hiện được nhiều hành vi vi phạm của các chủ cơ sở kinh doanh và đã tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, cho biết: “Việc xử lý nghiêm các lò “độ xe”, các cơ sở kinh doanh phụ tùng không rõ nguồn gốc là việc làm thường xuyên của lực lượng CSGT và là bước đầu xử lý triệt để việc thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng, cũng như sử dụng xe "độ" nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Để giải quyết triệt để việc "độ" xe, bên cạnh việc nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, xử lý các lò "độ" xe thì công tác quản lý thường xuyên của địa phương là quan trọng nhất. Việc gắn chặt trách nhiệm kiểm tra của công an cơ sở đối với các "lò độ xe" sẽ hạn chế bớt tình trạng này”.