Dư luận mấy ngày qua phẫn nộ vụ việc bé L.H.H do quấy khóc không chịu ngủ trưa nên bị cha dượng là Võ Huyền Anh (22 tuổi, ngụ KP8, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc) tức giận đóng cửa phòng không cho ai vào và phạt không cho bé H. ăn cơm.
Bé 3 tuổi bị cha dượng đánh dã man, nạn nhân thương tật 24%. Ảnh: Dantri. |
Ngay sau đó, Huyền Anh đã dùng tay, dây thắt lưng có đầu bằng kim loại và một cây nhôm được duỗi từ móc áo đánh liên tục vào người, đầu mặt của bé H. gây thương tích. Sau khi tiếp nhận thông tin và xác minh vụ việc, Công an huyện Phú Quốc đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Huyền Anh về hành vi cố ý gây thương tích.
Một người mẹ đang có con nhỏ tại Hà Nội khi đọc thông tin này phải bật khóc. “Cháu bé 3 tuổi bị bạo hành dã man bởi chính người cha dượng. Không chỉ đau đớn về thể xác mà khủng hoảng tinh thần sẽ rất lớn”, chị Lê Phương Ngọc, địa chỉ ở Hàng Bún buồn bã nói.
Trao đổi vấn đề này với phóng viên báo Tin tức, luật gia Đặng Văn Thành nhấn mạnh: “Bạo hành trẻ em đang là hiện tượng đáng báo động và phải bị trừng trị thích đáng. Nếu việc đúng như báo chí nêu và được cơ quan chức năng thụ lý giải quyết thì hành vi của người cha dượng đã cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc làm tổn hại sức khỏe cho người khác được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành, với mức phạt tù từ 2-7 năm (do thuộc trường hợp phạm tội với trẻ em).
Theo luật gia Thành, hiện có trên 10 cơ quan, tổ chức thuộc các loại hình có chức năng bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trong thực tế hầu hết các vụ việc xảy ra đều thể hiện việc "bị động" của các cơ quan hữu trách. Điều này chứng tỏ, để giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo hành, trước hết cần truyền thông nhiều hơn nữa các chế tài nghiêm khắc của pháp luật dành cho nhóm hành vi vi phạm này. Đồng thời, cần xử lý nghiêm minh, nhanh chóng và dứt điểm mọi vụ việc khi phát hiện.
“Ở một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém, đó là "phòng từ xa" các nguy cơ để trẻ em rơi vào bi kịch. Theo đó, có biện pháp can thiệp sớm, cách ly trẻ xa các đối tượng có nguy cơ cao (người say rượu, chất kích thích, người có khí chất nóng nảy hoặc người có dấu hiệu tâm bệnh...). Khi người thân hoặc nhân chứng phát hiện hành vi bạo lực với trẻ em, cần khuyên can kịp thời, nếu vượt quá khả năng thì cần báo ngay cho cơ quan hữu trách can thiệp sớm, tránh hậu quả đáng tiếc”, ông Thành nói.
Trước đó trả lời một số báo giới, đại tá Lê Văn Mót, Trưởng công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết kết luận giám định thương tích cơ thể đối với bé trai 3 tuổi bị cha dượng bạo hành ở thị trấn An Thới là 24%. “Cơ quan công an cùng các cơ quan liên quan đã thống nhất chọn vụ này là án điểm và sẽ đưa ra xét xử sớm”, đại tá Mót nói.