Gia đình tôi và hàng xóm B đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi ông B xây dựng thì lấn chiếm luôn cả phần mương thoát nước chung, nên đến mùa lũ, gia đình tôi đều bị ngập do nước không thoát được. Ông B đưa cho tôi xem sổ đỏ gia đình ông thì có ghi nhận cả phần mương trong diện tích đất nhà ông B. Bây giờ tôi cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?
Văn phòng luật sư Trịnh (Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời:
Cơ sở pháp lý:
- Luật Đất đai 2013;
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai
Trường hợp của bạn là tranh chấp quyền sử dụng đất (mương thoát nước chung), do đó, những việc mà bạn cần làm là:
Bước 1: Hòa giải tranh chấp đất đai
Luật đất đai 2013 quy định phải hòa giải trước khi khởi kiện ra Tòa án (Điều 202 LĐĐ 2013):
“Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.
Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai:
- Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất; Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải; Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
- Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành (Khoản 57 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).
Bước 2: Khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai
Nếu hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì bạn có quyền khởi kiện để giải quyết tranh chấp đất đai, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 203 LĐĐ 2013.
“1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Trường hợp của bạn thì cả bạn và ông B đều có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó, Tòa án nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.
Khoản 9 Điều 26 BLTTDS 2015: Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 BLTTDS 2015 (Khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015).
Như vậy, sau khi hòa giải mà không thành thì bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang bị tranh chấp.