Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Phấn – Phó cục trưởng cục Đăng ký đất đai (tổng cục Quản lý đất đai – bộ Tài nguyên và Môi trường) về vấn đề này.
Thưa ông, theo quy định mới của Nghị định 01 về đất đai có quy định về cấp sổ đỏ giấy viết tay. Gỡ nút thắt nào về cấp sổ đỏ hiện nay?
Theo quy định của pháp luật đất đai hiện nay không phân biệt trường hợp có giấy hay không giấy tờ, mọi trường hợp sử dụng đất chính đáng đều được nhà nước xem xét cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Trong Nghị định 01 mà Thủ tướng ký 6/1/2017 có hiệu lực 3/3/2017 thì đây là đổi mới của nội dung này trong tháo gỡ những thắt nút từ trước đến nay trong cấp GCN còn vướng mắc mà chưa giải quyết được quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất để nhà nước bảo hộ.
Nghị định 01 đã khẳng định lại các trường hợp có giấy tờ viết tay đều không phải làm thêm thủ tục về chuyển quyền sử dụng đất. Đây là thắt nút lớn nhất, từ trước đến nay không đẩy được công tác về cấp GCN với trường hợp này, lí do là khi người sử dụng đất có giấy tờ viết tay thông thường các địa phương yêu cầu làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất mà giấy tờ viết tay để tìm được người chủ chuyển quyền thì rất khó, có thể người ta đã chuyển đi hoặc đã mất... Trường hợp thứ 2 là tìm được người thì sự phối hợp giữa bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền không được hợp tác vì vậy làm cho đầu vào thủ tục chuyển quyền sử dụng đất đã bị chặn. Nên Nghị định 01 khẳng định thêm một lần nữa là đối với trường hợp có giấy tờ viết tay thì người sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục chuyển quyền mà thực hiện ngay thủ tục cấp GCN.
Thứ 2, quy định cũ chỉ nói giấy tờ viết tay mà không phân định các trường hợp, các thời kỳ do đó khi các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp này thì không phân biệt được nó nằm ở khung thời gian nào để xử lý. Vì vậy, Nghị định 01 đã tách ra các trường hợp trước 1/1/2008 đến 1/7/2014 để xử lý cho nó triệt để. Qua theo dõi ở Bộ TN&MT và địa phương phản ánh lên thì 2 nút thắt này đã được gỡ trong Nghị định 01 để giải quyết cấp GCN cho người sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất có giấy tờ viết tay.
Ông Mai Văn Phấn – Phó cục trưởng cục Đăng ký đất đai (tổng cục Quản lý đất đai – bộ Tài nguyên và Môi trường). |
Theo Nghị định 01, việc cấp sổ đỏ cho giao dịch đất đai bằng tay được giới hạn trong khung thời gian trước 1/1/2008 và từ 1/1/2008 – 1/7/2014 vì sao có khung đó, thưa ông?
Có quy định khung lý do vì trước 1/1/2008 là ngày mà Nghị định 84/2007 có hiệu lực thi hành, trong đó quy định thống nhất các giao dịch đất đai sau ngày 1/1/2008 phải có GCN do đó, nên sửa đổi điều 82 quy định trước 1/1/2008 không bắt buộc người dân có giấy tờ về quyền sử dụng đất nên Nghị định 01 phải phân thời điểm để khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật đã đưa ra rồi thì người dân phải thực hiện đúng.
Thời điểm sau 1/1/2008 – 1/7/2014 dù có giấy tờ viết tay nhưng phải có thêm các loại giấy tờ theo quy định điều 100 Luật đất đai; điều 18 của Nghị định 43. Các trường hợp còn lại như thừa kế thì sau ngày 1/7/2014 vẫn được thực hiện quyền cấp GCN nhưng phải có giấy tờ về thừa kế quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp một mảnh giấy viết tay nhưng qua nhiều thời kỳ thì làm sao để tránh tranh chấp, thưa ông?
Vấn đề này được thể hiện ngay trong quy trình, trình tự thủ tục cấp GCN để làm thế nào phát hiện và xử lý các trường hợp tranh chấp. Ở đây, cụ thể điều 70 và điều 82 của Nghị định 43 cũng quy định các trường hợp khi người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN thì UBND xã sẽ xác nhận vào hồ sơ và qua việc xác nhận hồ sơ phải công khai, các đối tượng có liên quan có thể căn cứ vào hồ sơ công khai đó để có khiếu nại, kiến nghị. Theo trình tự thủ tục thì phải xử lý xong khiếu nại tranh chấp thì mới thực hiện tiếp việc cấp GCN.
Với các trường hợp mà không có giấy tờ hoặc chuyển nhượng bằng giấy tờ viết tay thì khoản 2, điều 82 cũng quy định Văn phòng đăng ký phải có trách nhiệm gửi thông báo cho bên chuyển quyền, trường hợp bên chuyển quyền không tìm được địa chỉ thì phải đăng công khai trong 30 ngày. Trong 30 ngày đó thì các bên liên quan có thể xem xét khiếu nại hoặc có tranh chấp thì Văn phòng đăng ký sẽ tiếp thu và xử lý tranh chấp xong mới cấp GCN. Trong quy trình đưa ra công khai đã phát hiện ra trường hợp các bên có liên quan khiếu nại hay tranh chấp trong trình tự thủ tục đã thể hiện.
Quy trình chuyển đổi thủ tục từ giấy viết tay sang sổ đỏ như thế nào, thưa ông?
Nói về quy trình đã được quy định tại điều 70 và 82 của Nghị định 43, cụ thể là với người sử dụng đất sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ trong đó có đơn đề nghị cấp GCN, các loại giấy tờ mà người sử dụng đất có, kể cả giấy tờ viết tay và các loại giấy tờ mà người sử dụng đất đã thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc người ta ở diện được miễn giảm và hồ sơ người sử dụng đất chuẩn bị xong sẽ được lựa chọn nộp tại một trong hai nơi tại UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai. Sau khi nộp xong hồ sơ thì người sử dụng đất tiếp tục thực hiện thủ tục đi thực hiện nghĩa vụ tài chính nếu trong trường hợp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính xong thì nộp các chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã nộp hồ sơ và cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào đó để ký GCN và trao GCN cho người sử dụng đất.
Về tài chính, người sử dụng đất có thể phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất nếu phải nộp tiền sử dụng đất, nộp các loại phí và lệ phí theo Luật phí và lệ phí. Ví dụ lệ phí trước bạ hoặc phí cấp GCN, phí thẩm định quyền sử dụng đất. Nó tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể sẽ có thông báo người sử dụng đất phải nộp nghĩa vụ tài chính theo loại nào.
Trân trọng cảm ơn ông!