Theo kết quả điều tra ban đầu, lợi dụng việc kêu gọi từ thiện của các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội facebook, Châu đã lập nhiều tài khoản giả mạo, lấy hình đại diện và đặt tên giống với tài khoản facebook của người kêu gọi từ thiện. Tiếp đó, đối tượng vào phần bình luận của bài viết đã đăng và thông báo số tài khoản ngân hàng đăng trên bài viết bị lỗi, đề nghị các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ tiền qua số tài khoản mới do Châu cung cấp. Tin tưởng đó là tài khoản ngân hàng của người đăng bài, nhiều người đã chuyển tiền và bị Châu chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân.
Với thủ đoạn như trên, từ tháng 6/2023 đến ngày 4/5/2024, đối tượng Châu đã lừa đảo, chiếm đoạt trên 400 triệu đồng của gần 700 bị hại là các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, người ít nhất là 50.000 đồng, người nhiều nhất là 15 triệu đồng.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đắk Nông), tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, liên tục xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi. Do đó, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Các nhà hảo tâm cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước các thủ đoạn kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội; thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin trước khi quyết định ủng hộ, tránh bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...