Đây là vụ án xuất phát từ vụ việc tranh chấp căn nhà 29, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, Quận 1) giữa bà Hoàng Trọng Anh Chi (sinh năm 1982) và bà Hoàng Thị Thu Thảo (sinh năm 1983). Chiều 19/9/2019, khi bà Thảo không ở nhà, ông Lâm Hoàng Tùng (là người được bà Chi ủy quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến căn nhà nói trên), ông Nguyễn Hải Nam (bạn ông Tùng) cùng nhiều người khác đã xông vào nhà gây sức ép, buộc những người trong nhà phải ra khỏi nhà rồi chiếm giữ đến ngày 28/9/2019.
Theo Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Luật cư trú cũng quy định nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống, nơi cư trú người chưa thành niên là nơi cư trú theo cha mẹ. Luật nhà ở quy định nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, cá nhân; cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê...
Trên thực tế, bà Hoàng Thị Thu Thảo đã tiếp quản và thực hiện việc quản lý và thực hiện việc sữa chữa căn nhà 29, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm theo hợp đồng mua bán nhà giữa bà Hoàng Trọng Anh Chi và bà Thảo. Công an phường Đa Kao (Quận 1) xác định, gia đình bà Thảo thường trú thường xuyên tại căn nhà 29, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm từ tháng 3/2019. Việc bà Thảo có đăng ký tạm trú, tạm vắng hay không là thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của cơ quan chức năng. Việc xác định là đó có phải là nơi ở, là nhà của một ai đó hay không, không phải căn cứ vào người đó có tạm trú tạm vắng mà phải xem nơi đó có phải là nơi ở, sinh sống thường xuyên, hàng ngày của người đó hay không.
Với phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm khẳng định Lâm Hoàng Tùng, Nguyễn Hải Nam và một số người khác vào căn nhà trên, uy hiếp, đuổi gia đình bà Thảo ra khỏi nhà, chiếm giữ rồi tháo dỡ một tài sản trong căn nhà đã phạm vào tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. Việc các bị cáo có mặt và đưa các con của bà Thảo ra xe không phải là sự ngẫu nhiên, nên mức án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ.
Đối với kháng cáo của bị hại là bà Hoàng Thị Thu Thảo về nội dung đề nghị tăng hình phạt đối với 2 bị cáo, đồng thời đề nghị cấp phúc thẩm xem xét xử lý 2 bị cáo thêm tội "Bắt giữ người dưới 16 tuổi", Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, mục đích hai bị cáo đưa các cháu nhỏ ra ngoài là để chiếm đoạt căn nhà nên hành vi trên của các bị cáo không phạm vào tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Vì vậy, Tòa bác kháng cáo của bị hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, hai bị cáo Nam và Tùng kêu oan. Đến thời điểm xét xử phúc thẩm, cả 2 bị cáo đã thực hiện xong mức hình phạt án sơ thẩm đã tuyên và hiện đang tại ngoại.
Vụ án được dư luận quan tâm do thời điểm xảy ra, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại sự việc nhóm Lâm Hoàng Tùng, Nguyễn Hải Nam tranh chấp căn nhà 29, phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, có hành vi bế các con của bà Thảo đi ra khỏi căn nhà, gây bức xúc dư luận.
Cuối tháng 12/2020, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hải Nam 17 tháng tù và Lâm Hoàng Tùng 24 tháng tù, cùng về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158 - Bộ luật Hình sự 2015. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm nhận định, đủ căn cứ xác định bị cáo Nam, Tùng đã có hành vi như cáo buộc. Dù quá trong trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng khi xem lại các đoạn clip ghi lại diễn biến sự việc, các bị cáo thừa nhận hình ảnh, giọng nói trong clip trình chiếu tại tòa là của mình.
Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định hành vi của các bị cáo Nam, Tùng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của người khác được pháp luật bảo vệ và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bản thân các bị cáo là những người có am hiểu pháp luật, có thời gian dài công tác trong ngành tư pháp nhưng lại phạm luật nên cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.