Xung quanh chuyến thăm châu Phi của Chủ tịch Trung Quốc

Ngày 24/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thành phố Dares Salaam, được coi là thủ đô kinh tế của Tanzania, bắt đầu chuyến công du 7 ngày tới ba nước châu Phi gồm Tanzania, Nam Phi và Cộng hòa Congo. Trong thời gian lưu lại Nam Phi, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại thành phố Durban.


Công nhân Trung Quốc làm việc trên một công trường xây dựng đường sắt ở Angola. Ảnh: Internet


Trong 2 ngày ở thăm Tanzania, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Tanzania Jakaya Mrisho Kikwete về quan hệ hợp tác song phương, hai bên sẽ ký một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và văn hóa. Phát biểu trước khi tới châu Phi, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói: "Trung Quốc coi trọng quan hệ hữu nghị với tất cả các nước châu Phi, bất kể đó là nước lớn hay nước nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo... Trung Quốc cũng không quan tâm xem nước đó giàu hay nghèo về tài nguyên mà sẽ đối xử với họ một cách bình đẳng và tích cực triển khai quan hệ hợp tác thực dụng nhằm mang lại lợi ích cho cả đôi bên". Trong khi đó, Ngoại trưởng Tanzania Bernard Membe phát biểu: "Chúng tôi trông chờ quan điểm của ông đối với vấn đề đầu tư, thương mại, hòa bình, an ninh và hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, dầu mỏ, khí đốt, năng lượng và phát triển hạ tầng".


Trung Quốc thế chân Mỹ


Sau 49 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Tanzania. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai tại quốc gia Đông Phi này, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác than, quặng sắt và cơ sở hạ tầng. Trong gần 20 hiệp định song phương sẽ được ký kết lần này có các dự án cùng xây dựng một cảng biển và một tổ hợp công nghiệp. Một hiệp định cho vay không lấy lãi cũng sẽ được ký kết, tuy nhiên, chi tiết về khoản vay cũng như quy mô của các dự án vẫn chưa được tiết lộ.


Theo nhà phân tích Jonathan Holslag, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Brussels, với chuyến công du lần này, ông Tập Cận Bình muốn chứng tỏ rằng lối tiếp cận châu Phi của Trung Quốc "khác với lối tiếp cận của phương Tây". Ông nói: "Giờ đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh quan hệ đối tác với Tanzania bằng cách đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng của nước này, chẳng hạn hệ thống đường sắt, nhằm tạo sự liên kết sống còn tới các khu mỏ do Trung Quốc đang khai thác tại Cộng hòa Congo".


Trong khi đó, ông FransPaul van der Putten - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Hà Lan - nhận xét: "Việc ông Tập Cận Bình quyết định chọn Tanzania làm chặng dừng chân đầu tiên tại châu Phi cho thấy Trung Quốc muốn phát đi thông điệp rằng họ không chỉ quan tâm đến các lợi ích kinh tế ngắn hạn mà còn quan tâm đến việc phát triển quan hệ đối tác lâu dài với các nước trong châu lục."


Trao đổi thương mại hai chiều Trung Quốc và Nam Phi đạt 59,9 tỷ USD vào năm 2012 - gần bằng 1/3 tổng giá trị thương mại của Trung Quốc với châu Phi. Trong hai ngày lưu lại Nam Phi, ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Jacob Zuma và dự Hội nghị thượng đỉnh của BRICS, nơi dư luận trông đợi các nhà lãnh đạo Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ thông qua quyết định thành lập Ngân hàng phát triển BRICS, một định chế tài chính được nhìn nhận là có thể chấm dứt sự thống trị của Ngân hàng thế giới (WB) từ gần bảy thập kỷ nay.


Cộng hòa Congo sẽ là chặng dừng chân cuối cùng và quan trọng của ông Tập, bởi nguồn dầu mỏ dồi dào của nước này từ lâu đã lọt vào "mắt" của Bắc Kinh. Trước đây, Trung Quốc đã cho nước này vay nhiều tỷ USD để xây dựng tuyến đường bộ dài 500 km nối liền thủ đô Brazzaville với trung tâm thương mại Pointe-Noire, một nhà máy thủy điện công suất 120 mêgaoát và nhiều dự án khác.


Theo số liệu thống kê do Chính phủ Trung Quốc công bố, từ năm 2009, nước này đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Trong năm 2012, trao đổi thương mại hai chiều đã đạt 198,4 tỷ USD, tăng 15 lần so với 10 năm trước, trong đó Trung Quốc nhập khẩu 113 tỷ USD, tăng 20 lần so với 10 năm trước. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi cũng tăng mạnh. Tính đến tháng 6/2012, nước này đã đầu tư 45 tỷ USD vào châu lục, trong đó hơn 15 tỷ USD là đầu tư trực tiếp. Hiện tại, có hơn 2.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại 50 trên tổng số 54 quốc gia châu Phi.


Hữu hảo hay thực dụng?


Tuy nhiên, theo dư luận báo chí, ông Tập Cận Bình sẽ phải chật vật để thuyết phục các nước chủ nhà rằng Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến nguồn tài nguyên của họ mà còn mong muốn giúp họ cùng phát triển. Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào hệ thống hạ tầng là nhằm mở đường dẫn tới các nguồn tài nguyên mà họ nhòm ngó. Tình trạng thiếu minh bạch, kém hiệu quả trong đầu tư của Trung Quốc có thể gây hậu quả khôn lường trong tương lai cho các nước trong khu vực.


Mặc dù hầu hết các chính phủ tại châu Phi đều khẳng định chính sách "hướng Đông", coi quan hệ hợp tác với Trung Quốc là đối trọng chống lại ảnh hưởng của phương Tây, song sự hiện diện mạnh mẽ của Tung Quốc tại châu lục không phải ở đâu và lúc nào cũng được dư luận hoan nghênh. Không ít học giả, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức xã hội và môi trường đã lên tiếng cảnh báo về điều mà họ gọi là "chủ nghĩa thực dân mới" khi Trung Quốc ráo riết khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và đất đai của châu Phi mà không quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cũng từng bày tỏ quan ngại về sự thiếu bền vững trong quan hệ hợp tác giữa châu Phi và Trung Quốc.


Cách đây ít ngày, ông Lamido Sanusi - Thống đốc Ngân hàng trung ương Nigeria - viết trên "Thời báo tài chính" (Anh) rằng quan hệ Trung Quốc-châu Phi là quan hệ trong đó châu Phi bán tài nguyên thiên nhiên của mình để đổi lấy hàng hóa. Ông viết: "Đó cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa thực dân. Người Anh từng tới châu Phi và Ấn Độ để chiếm đoạt nguyên liệu thô và thị trường. Giờ đây, châu Phi lại tự nguyện mở cửa chào đón một dạng đế quốc mới".


Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trác Tuấn ước tính có khoảng 1-2 triệu doanh nhân Trung Quốc đang làm việc tại châu Phi. Ông từng thừa nhận về "những nỗi đau ngày một gia tăng" trong quan hệ hợp tác với châu Phi mà một trong những nguyên nhân là do "thiếu hiểu biết lẫn nhau"(!).



T.T

Chủ tịch Trung Quốc thăm châu Phi
Chủ tịch Trung Quốc thăm châu Phi

Ngày 24/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Dar es Salaam bắt đầu chuyến thăm chính thức Tanzania, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN