Ông Peter Fabricius, Chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh châu Phi (ISS) cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã làm sống lại cuộc tranh luận lâu năm về sự cần thiết phải cải tổ Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ), đặc biệt là thêm một đại diện thường trực cho châu Phi.
Nga là một trong năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết của HĐBA. Các cuộc bỏ phiếu tại HĐBA liên quan đến xung đột ở Ukraine vừa qua đã thúc đẩy những lời kêu gọi mới về một HĐBA dân chủ và hiệu quả hơn tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9. Những hạn chế của HĐBA khi không thể chấm dứt xung đột cũng tạo động lực cho những lời kêu gọi trên.
Tổng thống mới của Kenya là ông William Ruto cho biết nước này vẫn "cam kết kiên quyết cải cách HĐBA để tổ chức này trở thành một thể chế toàn cầu dân chủ, hiệu quả hơn".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã ủng hộ đề xuất cải cách, nhấn mạnh sự cần thiết phải có một ghế thường trực của châu Phi trong HĐBA. Ông Biden cho rằng để bảo vệ các quyền chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn trước những quốc gia lớn hơn, để đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và kiểm soát vũ khí, đã đến lúc HĐBA phải trở nên bao trùm hơn.
Về phần mình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nói với ông Biden tại Nhà Trắng: "Việc 1,3 tỷ người châu Phi vắng đại diện trong HĐBA vẫn là một điểm yếu trong trật tự dân chủ toàn cầu".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Hội đồng Bảo an chào đón các thành viên thường trực mới và 5 thành viên thường trực hiện nay (P5-Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp) cũng sẽ cần phải đồng ý không sử dụng quyền phủ quyết trong trường hợp xảy ra hành động tàn bạo hàng loạt".
Tháng 11 năm ngoái, Đại sứ Anh tại LHQ James Roscoe cũng tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ bổ sung các ghế thường trực mới cho Ấn Độ, Đức, Nhật Bản và Brazil, cũng như đại diện thường trực của châu Phi trong HĐBA". Giống như Pháp, ông Roscoe cho biết Anh đồng ý không sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn phản ứng của LHQ đối với hành động tàn bạo hàng loạt.
Theo chuyên gia Fabricius, trong số P5, chỉ có Nga và Trung Quốc vẫn do dự mở rộng thành viên thường trực. Điều thú vị là họ thuộc nhóm BRICS mà ba thành viên khác - Nam Phi, Ấn Độ và Brazil - đều muốn có ghế thường trực HĐBA. Mục đích của BRICS là vận động cho việc quản trị toàn cầu mang tính đại diện hơn. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc chưa bao giờ ủng hộ rõ ràng nguyện vọng trở thành thành viên HĐBA của Nam Phi, Ấn Độ và Brazil.
Sau các hội nghị thượng đỉnh và nhiều cuộc họp của BRICS, Nga và Trung Quốc đều đưa ra tuyên bố nhắc lại tầm quan trọng, vị thế của Brazil, Ấn Độ và Nam Phi trong các vấn đề quốc tế và ủng hộ nguyện vọng đóng vai trò lớn hơn của họ' tại LHQ, nhưng không đề cập đến việc họ trở thành thành viên thường trực của HĐBA.
Lý do Trung Quốc do dự có lẽ là vì khi cánh cửa HĐBA mở ra, Nhật Bản có thể sẽ là một trong những nước đầu tiên bước vào. Ngoài ra, cả Trung Quốc và Nga đều lo ngại rằng việc mở rộng thành viên thường trực của HĐBA sẽ làm tăng đa số chống lại họ - mặc dù có thể thêm Brazil, Ấn Độ và một số nước châu Phi.
Ông Fabricius lưu ý, nhiều người cũng cho rằng có "tiêu chuẩn kép" trong các đề xuất cải cách HĐBA của Mỹ, Anh và Pháp (P3). Vì cả ba nước này đều muốn duy trì quyền phủ quyết, do đó ở sau hậu trường họ sẽ khó ủng hộ mở rộng HĐBA với các thành viên thường trực mới. Xét cho cùng, từ các quyền phủ quyết của họ, P5 đã khẳng định được quyền lực trong HĐBA và Đại hội đồng LHQ.