Xuân sớm ở Crimea

Tôi trở lại Crimea (Crưm) sau hơn 20 năm với vai trò hoàn toàn khác. Trước đây, khi còn là anh sinh viên địa chất, chúng tôi chỉ thấy vẻ đẹp của thiên nhiên Crimea cũng như sự phong phú về kiến tạo địa chất nơi này. Còn nay, tôi tới Crimea với nhiệm vụ khác - đưa tin về cuộc trưng cầu ý dân lịch sử của bán đảo đẹp như tranh vẽ này.

Chiếc máy bay chở tôi từ Moskva chật ních phóng viên, điều cho thấy rõ tầm quan trọng của những sự kiện diễn ra nơi đây.

Quang cảnh thủ phủ Simferopol hầu như không có nhiều thay đổi so với hơn 20 năm trước. Nó cho thấy sự trì trệ của nền kinh tế xứ sở này. Một điều dễ thấy khác là hầu hết các biển hiệu ở Simferopol đều viết bằng tiếng Nga, và ở đây, có thể nói chuyện thoải mái bằng tiếng Nga, chứ không phải vừa nghe vừa đoán như nói chuyện với người Ukraine ở thủ đô Kiev tháng trước. Như vậy có thể thấy, ảnh hưởng của tiếng Nga, người Nga và văn hóa Nga đối với vùng đất này thật sâu đậm. Với những người biết tiếng Nga như tôi, bạn hoàn toàn có thể cảm thấy thoái mái như đang ở trên đất Nga vì tới 58% dân số Crimea là người gốc Nga.


Tôi nhanh chóng tiếp cận khu trung tâm thành phố. Cuộc sống ở đây hoàn toàn thanh bình. Thậm chí trong trung tâm không thấy bóng dáng quân nhân nào, chỉ có những người tự vệ đứng bảo vệ Quốc hội Cộng hòa và hiện diện trên đường phố. Tượng Lenin vẫn đứng đó, sừng sững trên quảng trường trung tâm.


Sắc màu của những người đứng trước trụ sở Quốc hội Crimea cũng rất dễ nhận biết. Nếu như ở Quảng trường Độc lập của thủ đô Kiev là sắc màu xanh-vàng (quốc kỳ Ukraine) và xanh nước biển (cờ EU), thì ở đây là 3 màu trắng-xanh-đỏ (quốc kỳ Nga) và đỏ (cờ Liên Xô). Điểm này cũng có thể cho ta thấy đặc trưng và bản chất của cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea.


Phóng viên Việt Nam đứng cạnh xe bọc thép đỗ trước cửa trụ sở Hải quân Ukraine ở Simferopol.


Để hiểu rõ hơn sự bình yên "bất thường" tại thủ phủ Simferopol, chúng tôi quyết định thực hiện ngay chuyến đi tới Sevastopol, trước đây là quân cảng, căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen Nga. Trên bán đảo Crimea, thành phố cảng Sevastopol nằm ngay chóp mũi phía Nam vươn ra Biển Đen, vì thế nhìn từ góc độ địa lý, vai trò chiến lược của hải cảnh là vô cùng quan trọng. Lực lượng hải quân Nga đóng ở đây có ưu thế lớn để kiểm soát Biển Đen, eo biển Kerch nối với Biển Azov. Có thể nói Sevastopol là điểm lý tưởng để đặt quân cảng. Chính vì thế, năm 1783, Hạm trưởng Ivan Bersenev của Nga sau khi khảo sát bán đảo Crimea đã khuyến cáo Nữ hoàng Catherine II nên xây căn cứ tại vịnh nhỏ này.


Ở Sevastopol bạn có thể ngắm tượng Đô đốc Nakhimov, vị tướng tài của Nga trong trận đánh Sinop tháng 11/1853, đã tiêu diệt cả hải đoàn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vài giờ. Tuy nhiên điều đặc biệt của Sevastopol là cư dân thành phố này hầu hết là người Nga, có lẽ đó là con cháu bao đời nay của những người lính Nga hàng trăm năm qua đã bảo vệ tiền đồn trên Biển Đen này. Trờ chuyện với các cư dân thành phố, chúng tôi có thể hiểu rõ tâm nguyện, cũng như tình cảm lớn lao họ dành cho LB Nga.


Tất cả những người được hỏi đều cho rằng việc trở thành một thực thể trong LB Nga chẳng khác nào trở "về nhà" (đa-môi), thậm chí hai cô gái trẻ tôi gặp còn nói Sevastopol luôn là đất của Nga, trước kia vẫn thế và nay cũng vậy. Người dân cũng cho rằng cuộc trưng cầu ý dân này là cơ hội lịch sử để thay đổi (ám chỉ việc sáp nhập với LB Nga).


Chỉ ở đây, và trò truyện với người dân ta mới hiểu sự hiện của binh sĩ NATO tại quân cảng Sevastopol anh hùng sẽ là điều không tưởng với bất cứ người Nga nào nơi đây. Cũng chính từ những câu chuyện này, ngay trước cuộc trưng cầu ý dân, tôi đã có thể kết luận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không thể đi ngược lại ý nguyện và tình cảm người dân Crimea dành cho LB Nga.


Đêm bùng nổ (16/3) tại thủ phủ Simferopol.


Điều đáng chú ý nữa trên đường từ Simferopol tới Sevastopol là tuyệt nhiên chúng tôi không thấy bất cứ binh sĩ hay phương tiện kỹ thuật nào, ngoại trừ một chốt kiểm soát quân sự với vài người lính và các dân vệ. Điều này càng khẳng định bản chất thanh bình của Crimea dù sắp diễn ra sự kiện trọng đại. Cũng trên đường, chúng tôi đã chứng kiến một đoàn xe dài của những người gốc Nga, trang hoàng toàn cờ Nga đi theo hướng Sevastopol để cổ vũ cho cuộc trưng cầu dân ý. Trên đường, đoàn xe đi qua một đoạn đường có các nhóm người Tatar đứng bên đường vẫn cờ Ukraine. Tuy nhiên phản ứng chỉ là bấm còi, hay la ó huýt sáo khi họ đối mặt nhau.


Những ngày trọng đại ở Crimea diễn ra thật sôi động, và thực sự bùng nổ trong đêm 16/3, khi đông đảo người dân, thực hiện xong nghĩa vụ đi bỏ phiếu của mình, ăn mừng một chiến thắng rõ ràng của họ trong cuộc trưng cầu ý dân. Bạn có thể thấy một rừng cờ Nga, những tiếng hô "nước Nga", hòa trong tiếng đàn, tiếng hát những bài hát mang phong cách Nga, ca ngợi nước Nga.


"Mùa xuân Crimea" qua con mắt một phóng viên như tôi là thế đó. Tuy nhiên tôi hiểu "Mùa xuân" đã đến sớm trong trong tâm hồn những người dân bán đảo Crimea xinh đẹp. Còn tôi, tôi thực sự thấy mình có phần may mắn vì có thể xem như một nhân chứng lịch sử của mảnh đất này.



Duy Trinh (P/v TTXVN tại Crimea)

Thách thức của Nga sau khi sáp nhập Crimea
Thách thức của Nga sau khi sáp nhập Crimea

Trong khi cộng đồng quốc tế đang tranh luận về cái giá mà Nga sẽ phải gánh chịu nếu sáp nhập Crimea, thì chính phủ Nga cũng đang tính toán sẽ phải tốn bao nhiêu chi phí để duy trì hoạt động tại bán đảo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN