Trong "Báo cáo phát triển thế giới 2022: Tài chính cho sự phục hồi công bằng", WB cho rằng rủi ro có thể đang tiềm ẩn do sự cân đối thu chi của các hộ gia đình, doanh nghiệp, ngân hàng và chính phủ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; đồng thời lưu ý rằng các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn ở mức cao đang làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng, tiếp cận tài chính của các hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ một cách "không cân xứng".
Theo Chủ tịch WB David Malpass, rủi ro đó đối với các nước đang phát triển là khủng hoảng lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ lan rộng do tài chính không ổn định. Các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt và thị trường nợ nội địa thiếu ổn định ở nhiều nước đang phát triển cũng đang chèn ép lĩnh vực đầu tư tư nhân và cản trở sự phục hồi.
Ông Malpass nhấn mạnh điều quan trọng là chính phủ các nước phải có những điều chỉnh để hướng tới khả năng tiếp cận tín dụng trên diện rộng và phân bổ vốn theo định hướng tăng trưởng. Điều này sẽ cho phép các công ty nhỏ, năng động và các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao gia tăng đầu tư và tạo việc làm.
Báo cáo của WB cũng cho thấy 46% doanh nghiệp được khảo sát ở các nước đang phát triển có khả năng lâm vào tình trạng nợ đọng; đồng thời cảnh báo rằng các khoản nợ không thể trả có thể "tăng mạnh" và nợ tư nhân có thể nhanh chóng trở thành nợ công khi các chính phủ đưa ra gói hỗ trợ.
WB khuyến nghị các nước đang phát triển cần chủ động quản lý các khoản nợ xấu, cải thiện cơ chế phá sản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa giải mà không cần sự phân xử của tòa án, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và thúc đẩy xóa nợ để giúp giảm nợ tư nhân. Ngoài ra, các quốc gia có thu nhập thấp cần chủ động quản lý một cách có trật tự và kịp thời mức nợ của chính phủ.