Sau chuỗi 175 sự kiện, 20 hội nghị cấp bộ trưởng, 62 cuộc họp nhóm làm việc, 60 phiên họp tài chính, 2 phiên họp về tình hình Afghanistan và khủng hoảng sức khỏe, Hội nghị thượng đỉnh G20 là hội nghị cuối cùng trong năm Italy đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G20 kể từ tháng 12/2020.
Hội nghị đã đạt được tuyên bố cuối cùng, tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi, các nhà lãnh đạo G20, với tư cách là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế, cam kết vượt qua khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu do đại dịch, đại dịch đã ảnh hưởng đến hàng tỷ sinh mạng, cản trở nghiêm trọng tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Trên cương vị Chủ tịch G20, Italy đã nỗ lực thu hút lãnh đạo các nền kinh tế lớn cùng thảo luận để hướng tới một đường lối chung ứng phó với các thách thức toàn cầu, với trọng tâm 3 trụ cột “Con người, Hành tinh, và Thịnh vượng”.
Đối với “Con người”, đại dịch COVID-19 đã gây ra với sự mất cân bằng kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. Mục tiêu của hội nghị nhằm giảm bất bình đẳng toàn cầu do khủng hoảng đại dịch gây ra, bảo vệ tầng lớp yếu thế: phụ nữ, trẻ em và người lao động; giải quyết các vấn đề như tiếp cận giáo dục, bất bình đẳng về cơ hội và điều kiện sống.
Theo đó, G20 đã hướng đến phục hồi công bằng, tất cả các nhà lãnh đạo G20 đều cho rằng cần phải giải quyết sự bất bình đẳng giữa các nước thu nhập cao và thấp trong việc cung cấp và phân phối vaccine, để thúc đẩy phục hồi bền vững, giảm rủi ro.
Các nhà lãnh đạo cam kết đạt mục tiêu tiêm chủng 40% dân số toàn cầu trong năm 2021 và 70% dân số toàn cầu vào năm 2022, theo đúng mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra. G20 cho rằng ngoài việc hỗ trợ vaccine cho các nước thu nhập thấp, cần tìm kiếm giải pháp thúc đẩy năng lực sản xuất vaccine và chuyển giao công nghệ ở các khu vực như châu Phi, cũng như tăng năng lực ứng phó với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào về y tế trong tương lai.
Đại dịch đã tạo ra những thách thức mới, trong đó có vấn đề di cư. Để sẵn sàng ứng phó với vấn đề di cư, G20 cam kết tôn trọng đầy đủ quyền và tự do cơ bản của người di cư, thực hiện các biện pháp hỗ trợ người di cư, lao động nhập cư trên tinh thần hợp tác quốc tế, phù hợp với chính sách, luật pháp và tình hình mỗi quốc gia. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tính cần thiết phải ngăn chặn dòng di cư bất thường và nạn buôn người, để vấn đề di cư đảm bảo an toàn, có trật tự, đồng thời giải quyết những nhu cầu nhân đạo và các nguyên nhân căn bản của vấn đề di cư.
Về yếu tố “Hành tinh”, Thủ tướng Italy khẳng định, trên cương vị Chủ tịch G20, Italy mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và cần nhanh chóng hành động tránh những hậu quả nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Kết quả, các nhà lãnh đạo G20 cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C, như đã quy định trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thông qua hành động tức thời và cam kết trung hạn, song tránh đưa ra những cam kết nghiêm ngặt với các nước thành viên.
G20 xác nhận hậu quả của biến đổi khí hậu nếu mức tăng nhiệt độ duy trì ở 1,5 độ C sẽ ít hơn nhiều so với 2 độ C và cần phải có hành động ngay lập tức giải quyết vấn đề này. Các nhà lãnh đạo G20 cam kết thực hiện “hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C thông qua các hành động tích cực và hiệu quả”. Ngoài ra, G20 cũng đã đạt được quyết định lịch sử “loại bỏ than đá và ngừng cấp vốn cho các nhà máy than trong năm 2021”.
Liên quan chủ đề “Thịnh vượng”, sau nhiều năm thảo luận căng thẳng, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí áp mức thuế 15% với các công ty đa quốc gia có thu nhập từ 750 triệu euro trở lên và sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2023, không phụ thuộc vào trụ sở pháp lý và lợi nhuận. Theo tuyên bố từ Nhà Trắng: “Tất cả các nhà lãnh đạo (G20) đều ủng hộ một mức thuế tối thiểu toàn cầu và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận lịch sử này". Tuy nhiên, đại dịch vẫn đang tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế, do đó, G20 đề cao tính cảnh giác trước các thách thức toàn cầu, và cùng cam kết hành động chống lại sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.
G20 được thành lập năm 1999, là diễn đàn quốc tế của 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU), mục đích nhằm thảo luận về những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, “nhiệm vụ” của G20 đã được mở rộng không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế và tài chính, mà còn các chính sách năng lượng, môi trường, thương mại quốc tế, đầu tư, hợp tác phát triển.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi mà nhân loại đứng trước một loạt thách thức mới do đại dịch COVID-19 gây ra. Trên cương vị chủ tịch luân phiên G20, với uy tín quốc tế cao của Thủ tướng Mario Draghi, Italy đã tổ chức thành công một loạt hội nghị trong khuôn khổ G20 và hội nghị thượng đỉnh cuối cùng mang đậm dấu ấn “sự trở lại của chủ nghĩa đa phương” trong giải quyết mọi thách thức toàn cầu hiện nay.
Việc khẳng định vai trò của chủ nghĩa đa phương trong việc vượt qua những thách thức mà thế giới đang đối mặt với mục tiêu "con người, hành tinh và thịnh vượng" cũng củng cố vị thế hàng đầu của G20. trên trường quốc tế.