Vụ nổ Thiên Tân và khủng hoảng niềm tin

Một tuần sau vụ nổ kinh hoàng tại kho hóa chất của công ty hậu cần quốc tế Ruihai ở thành phố cảng Thiên Tân, chính quyền Trung Quốc không chỉ khó khăn trong công tác ngăn ngừa ô nhiễm hóa chất mà còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng từ người dân, đặc biệt là thân nhân của những lính cứu hỏa còn mất tích.

Gia đình của hàng chục lính cứu hỏa ở Thiên Tân, Hồ Bắc và Sơn Đông ngày 16/8 đã biểu tình trước trụ sở chính quyền thành phố Thiên Tân. Một vài người còn chặn ba lối đi từ bệnh viện cảng Thiên Tân đến trụ sở chính quyền và giơ biểu ngữ “trả lại con cho chúng tôi, giải thích cho gia đình chúng tôi”. Bà Yuan Chenggang có con trai là lính cứu hỏa 18 tuổi, bức xúc: “Chúng tôi đã ở đây 4 ngày rồi nhưng vẫn chưa gặp được ai có thể cho chúng tôi biết điều gì hữu ích”.

Nhân viên cứu hỏa tại hiện trường vụ nổ ở Thiên Tân.Ảnh: THX/TTXVN


Người thân của nhóm lính cứu hỏa được phái tới hiện trường vụ nổ đầu tiên đang kêu gọi chính quyền đối xử công bằng với họ. Chỉ vài người trong ba nhóm lính đầu tiên có mặt ở hiện trường còn sống sót trở về. Nhiều người đã chết và nhiều người còn mất tích. Đây là những lính cứu hỏa hoạt động “ngoài hệ thống”, tức là họ không do Bộ Công an kiểm soát mà do các cơ quan, doanh nghiệp quản lý. Gia đình họ cho biết khác với lính cứu hỏa tử nạn của Bộ Công an, lính cứu hỏa ở cảng Thiên Tân không được đưa vào danh sách người chết do vụ nổ và không ai chú ý đến việc tìm kiếm họ.

Mãi đến ngày 16/8, chính quyền mới lần đầu tiên công bố số lượng lính cứu hỏa cả chính quy và hợp đồng vẫn còn mất tích. Theo Tham mưu trưởng Quân khu Bắc Kinh Shi Luze, 85 lính cứu hỏa còn mất tích, trong đó 72 người thuộc bộ phận chữa cháy của Tập đoàn cảng Thiên Tân. Thân nhân của 72 người này thắc mắc tại sao không có thông tin gì về họ trong khi số phận của những lính cứu hỏa trực thuộc Bộ Công an lại liên tục được cập nhật. Họ cáo buộc chính quyền xếp các lính cứu hỏa này vào dạng “hạng hai”.

Theo quy định, các công ty, doanh nghiệp lớn như các cảng và nhà máy hóa chất phải có bộ phận cứu hỏa để xử lý tình trạng khẩn cấp. Lính cứu hỏa làm trong các công ty này thường bị xếp vào cấp thấp nhất trong hệ thống cứu hỏa ba lớp ở Trung Quốc. Lính thuộc hai lớp đầu nằm dưới sự quản lý của Bộ Công an và chính quyền địa phương. Lính cứu hỏa tại cảng Thiên Tân làm việc theo hợp đồng và không có phúc lợi như đồng nghiệp ở hai lớp trên. Lính cứu hỏa thuộc các công ty thường là người đầu tiên phản ứng nếu có cháy trong khu vực của mình vì họ gần nơi hỏa hoạn nhất, nên họ đối mặt với mối nguy hiểm lớn nhất như trong vụ cháy nổ ở cảng Thiên Tân nói trên.

Các công ty tuyển dụng phải huấn luyện cho họ theo hướng dẫn của các sở cứu hỏa. Tuy nhiên, đến khi vụ nổ ở Thiên Tân xảy ra, người ta mới vỡ lẽ “cháy nhà ra mặt chuột”. Cô Wang Baoxia, người thân của một lính cứu hỏa mất tích, cho biết họ hầu như không được tập huấn gì khi được tuyển dụng. Thậm chí một số lính cứu hỏa còn chưa đủ tuổi. Hầu hết đều ở độ tuổi 20, một số ở độ tuổi 18 và 19, có nghĩa là họ chưa đủ 18 tuổi khi được tuyển dụng.

Không chỉ người thân của những người thiệt mạng trong vụ nổ, cả báo chí nước này cũng dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích phản ứng chậm chạp và sự thiếu minh bạch của chính quyền Thiên Tân, đặc biệt là trong vài chục giờ đầu sau vụ nổ. Khi báo chí, người dân, thân nhân người mất tích và cư dân mạng ồ ạt thể hiện sự bức xúc, chính quyền Trung Quốc lại phản ứng bằng cách chặn hàng chục trang web và hàng trăm tài khoản mạng xã hội. Nhiều người sử dụng mạng xã hội Weibo cho biết những gì họ đăng về thảm họa Thiên Tân đã “biến mất”. Phóng viên cũng bị cấm viết gì về vụ nổ trên mạng xã hội của họ. 10 cụm từ bị kiểm soát gắt gao nhất trên mạng xã hội phần lớn là những cụm từ có chữ “nổ” và “Thiên Tân”.

Điều đáng nói là đây không phải lần đầu chính quyền Trung Quốc tìm cách bưng bít thông tin về công tác phản ứng với thảm họa, tai nạn. Cách đây không lâu, khi xảy ra vụ chìm tàu Ngôi sao Phương Đông trên sông Dương Tử ngày 1/6 khiến 442 người chết, chính quyền Trung Quốc cũng hành xử tương tự: Người dân và báo chí không được tiếp cận hiện trường, thân nhân không được cung cấp đầy đủ thông tin, mọi chủ đề bàn tán về vụ tai nạn trên mạng xã hội đều bị chặn…

Việc bưng bít thông tin nếu không vì lợi chung của xã hội sẽ dẫn đến khủng hoảng niềm tin trong người dân sau mỗi sự cố.

Thùy Dương
Phát hiện chất xyanua hàm lượng thấp ở vùng biển Thiên Tân
Phát hiện chất xyanua hàm lượng thấp ở vùng biển Thiên Tân

Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc đã phát hiện có "dấu vết" chất xyanua hàm lượng thấp ở vùng biển gần hiện trường vụ nổ ở thành phố cảng Thiên Tân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN