Vũ lực không thể giải quyết vấn đề của châu Phi

Trong bài phân tích về tình hình bất ổn hiện nay ở châu Phi đăng trên tờ “Đại Công báo” (Hồng Công, Trung Quốc) ngày 21/4, Giáo sư Kiều Tân Sinh, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Đại học Trung Nam, cho rằng “vũ lực không thể giải quyết vấn đề của châu Phi”.

Lực lượng vũ trang tuần tra trên đường phố Abidjan, ngày 4/4.
Ảnh: THX- TTXVN

Theo tác giả, có thể nhận thấy thời gian gần đây, khi xử lý các vấn đề của châu Phi, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dường như ngày càng mất kiên nhẫn đàm phán hòa bình, cho phép “áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để dẹp yên bạo loạn trong nội bộ một quốc gia. Đây là biểu hiện cụ thể của “chính trị nước lớn” trên thế giới hiện nay.

Sau cuộc bầu cử tại Cốt Đivoa, cả đảng cầm quyền và đảng đối lập đều tuyên bố giành thắng lợi và nhanh chóng bị cuốn vào cuộc nội chiến, bất chấp các nỗ lực hòa giải. Theo kiến nghị của Liên minh châu Phi (AU), HĐBA đã thông qua Nghị quyết số 1975, hoàn toàn ủng hộ ứng cử viên tổng thống do phe đối lập đề cử, đồng thời ủy quyền cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế “áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết bảo vệ thường dân trước các nguy cơ bạo lực…”. Với sự ủy quyền này, quân đội các nước do Pháp cầm đầu đã tiến vào thủ đô của Cốt Đivoa để hỗ trợ phe đối lập.

Rất dễ nhận thấy những nguy hiểm tiềm tàng từ hành động can thiệp quân sự trực tiếp vào công việc nội bộ Cốt Đivoa. Nó ngầm chỉ ra rằng trong một cuộc bầu cử dân chủ ở một quốc gia, phe đối lập có quyền tổ chức lực lượng vũ trang của mình và có thể thông qua chiến tranh để giành quyền lực. Về bề ngoài, sự can thiệp quân sự này có vẻ như “không còn cách nào khác”, song cách thức can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia khác như trên tất sẽ tạo phản ứng dây chuyền, có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm.

Cốt Đivoa là một nước quan trọng ở châu Phi, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm lực phát triển lớn. Cuộc nội chiến ở Cốt Đivoa trên thực tế là cuộc chiến tranh giành sự ủng hộ của dân chúng giữa các phe phái. Với sự đầu tư trợ giúp của các nước phương Tây, phe đối lập đã giành chiến thắng. Hiện nay, điều mọi người lo lắng là hành động dùng vũ lực can thiệp vào vấn đề nội bộ của một đất nước có lợi cho việc duy trì và bảo vệ hòa bình quốc tế hay không? LHQ trao quyền sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề là dựa trên cơ sở đánh giá tính hợp pháp của chính quyền một nước nào đó. Chính quyền của một nước có tính hợp pháp hay không phải cần phải được đánh giá dựa trên ý kiến của người dân thông qua bầu cử. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác là nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ. Trên thực tế, việc HĐBA ủy quyền áp dụng hành động quân sự ở các nước châu Phi là một biểu hiện của sự can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác.

Bên cạnh đó, HĐBA đã quá dựa vào ý kiến của AU và Liên đoàn Arập (AL) để đưa ra nghị quyết, trong khi AU và AL lại thiếu kế hoạch dài hạn và tính toán thấu đáo trong việc giải quyết các vấn đề châu Phi. Do đó, những nghị quyết liên quan được HĐBA đưa ra không những không giải quyết được vấn đề của châu Phi, mà còn dẫn đến thảm họa nhân đạo quy mô lớn. AU là một tổ chức mang tính khu vực của các nước châu Phi nên cần có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh khu vực.

Một số học giả không nhìn thấy những khó khăn đặc thù mà các nước châu Phi phải đối mặt. Họ hoan nghênh kiểu sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột nội bộ ở các nước Tây Phi, đồng thời cho rằng đây là một biểu hiện cụ thể của “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề không chỉ không thể loại bỏ sự khác biệt, mà trái lại còn tăng sự rạn nứt giữa các bộ lạc, giữa các phe phái trong một quốc gia.Thành viên HĐBA không nên đóng vai “người giám hộ”, mà nên tích cực tạo dựng vũ đài chính trị cho các đảng phái các quốc gia châu Phi giải quyết tranh chấp. Chỉ có giải quyết vấn đề này thông qua giải pháp chính trị, chứ không phải quân sự, mới có hy vọng về hòa bình cho các nước châu Phi.


Đối với HĐBA LHQ, không nên quá nhấn mạnh “thảm họa nhân đạo” để cho phép sử dụng vũ lực giải quyết xung đột nội bộ ở các nước châu Phi. HĐBA chỉ nên đưa ra ý kiến tham khảo và cách thức giải quyết vấn đề cho các đảng phái ở các nước châu Phi, tuyệt đối không thể can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Cách làm này cơ bản không giúp ích gì cho sự phát triển của châu Phi.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN