Viện Tầm nhìn châu Á đánh giá Việt Nam thúc đẩy hiệu quả tiến trình đàm phán RCEP

Trong bối cảnh hoạt động thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19, việc tăng cường hợp tác và phối hợp để mau chóng phục hồi kinh tế là xu thế không thể đảo ngược, trong đó có những mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, cân bằng của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Chheang Vannarith (trái) - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) tham dự Hội thảo "Chính sách đối ngoại của Campuchia trong kỷ nguyên mới", do Viện AVI tổ chức.

Vào tháng 11 năm ngoái, 15 quốc gia, gồm các nước thành viên ASEAN và đối tác đối thoại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand đã đạt được thỏa thuận về RCEP.

Ngay sau Hội nghị trực tuyến giữa kì lần thứ 10 của Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán RCEP do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh làm chủ tọa ngày 23/6 vừa qua, phóng viên TTXVN tại Campuchia đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Chheang Vannarith - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) có trụ sở tại Phnom Penh, Campuchia - về những sáng kiến gần đây của Việt Nam nhằm thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán hiệp định RCEP, nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý nội dung để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định vào tháng 11 tới tại Hà Nội.

Tiến sĩ Chheang Vannarith cho biết trong năm giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã điều phối và thúc đẩy có hiệu quả tiến trình thương lượng nhằm đạt được sự đồng thuận và hướng tới kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP, dù Ấn Độ đã quyết định rút lui vào phút chót.

Ông cho rằng khi đại dịch COVID-19 đang tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế khu vực, cần có một cơ chế hội nhập khu vực sâu rộng hơn nữa để nhanh chóng hồi phục các nền kinh tế thông qua thúc đẩy thương mại và đầu tư. RCEP sẽ là công cụ hữu hiệu tăng cường hoạt động thương mại và dòng vốn đầu tư trong khu vực.

Về tầm quan trọng của hiệp định sau đại dịch COVID-19, ông Chheang Vannarith cho rằng RCEP sẽ giúp các quốc gia tham gia vào cuộc cải tổ chuỗi cung ứng toàn cầu sau khi dịch bệnh được khống chế. Về mặt chính trị và chiến lược, việc hoàn tất đàm phán RCEP cũng gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng các nền kinh tế châu Á không chấp nhận xu thế đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tại hội nghị trực tuyến ngày 23/6, các bộ trưởng thương mại từ 15 quốc gia đã tái khẳng định việc ký kết hiệp định RCEP vào cuối năm nay. Dù Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào tháng 11/2019, các nước thành viên vẫn để ngỏ cánh cửa với nước này. 

Chủ tịch Viện AVI Chheang Vannarith khẳng định việc tuyên truyền sâu rộng và tạo niềm tin cho công chúng về tính bền vững của hiệp định RCEP là vô cùng quan trọng ở thời điểm hiện tại và là yếu tố quyết định cho sự thành công của RCEP. Ông nhấn mạnh những nhà lãnh đạo các nền kinh tế chuẩn bị tham gia RCEP cần giải thích thấu đáo cho người dân về các lợi ích đi kèm với những thách thức của hiệp định này. 

Theo các báo cáo sơ bộ, nếu được ký kết, hiệp định RCEP sẽ tạo ra một trong những khu vực kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 45% dân số toàn cầu và hơn 30% tổng GDP của thế giới (nếu tính cả Ấn Độ).

Tin, ảnh: Trần Long (TTXVN)
Ký kết RCEP sẽ góp phần khôi phục kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19
Ký kết RCEP sẽ góp phần khôi phục kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19

Vụ phó Vụ Chính sách Ngoại thương, Bộ Công Thương Lào, thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) của Lào, ông Santisouk Phounesavath ngày 23/6 nhận định việc tập trung hoàn tất và nhanh chóng ký RCEP rất quan trọng nhằm giúp quá trình phục hồi kinh tế của khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN