Ngưng các thương vụ vũ khí, hạn chế quan hệ ngoại giao, thu hồi thị thực, đóng băng thỏa thuận làm ăn chỉ là một số ít các biện pháp trừng phạt mà các đồng minh phương Tây của Saudi Arabia đang cân nhắc, sau cơn thịnh nộ của dư luận quốc tế vì vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại. Điểm kỳ lạ ở chỗ trong danh sách các nước chỉ trích Saudi Arabia ngày một dài thêm không hề xuất hiện tên Nga.
“Đầu tiên, chúng ta nên đợi kết quả điều tra. Làm thế nào nước Nga có thể hủy hoải mối quan hệ với Saudi Arabia mà không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh giác trước thông tin quan chức Saudi Arabia dính líu tới vụ giết hại nhà báo Khashoggi.
Thậm chí ngay cả khi Bộ Tư pháp Saudi Arabia thừa nhận vụ sát hại nhà báo Khashoggi được tính toán trước, thì người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vẫn khẳng định Nga tin tưởng tuyên bố của Quốc vương và Thái tử Saudi Arabia rằng Hoàng gia không liên quan tới vụ sát hại. Theo kênh truyền hình CNN, yếu tố thương mại đóng vai trò chính dẫn tới thái độ có phần “khoan dung” của Nga giành cho Riyadh trong vụ sát hại nhà báo.
Mặc dù ngày trước là đối thủ, song hai siêu cường năng lượng: Nga và Saudi Arabia, hiện lại muốn cải thiện quan hệ chính trị và kinh tế song phương vững chắc. Moskva muốn đảm bảo không có chuyện gì có thể gây nguy hại tới mối quan hệ đó.
Rõ ràng đây là một chiến lược tạm thời Nga đang được hưởng lợi và có tiềm năng nhận được một “miếng bánh” Saudi Arbia lớn hơn.
Đầu tuần qua, trong khi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ còn đang cáo buộc giới chức Saudi Arabia chủ mưu vụ sát hại nhà báo Khashoggi, thì Nga lại tuyên bố nhận 5 tỷ USD đầu tư vào dự án khí đốt tự nhiên từ phía Riyadh.
Trong khi các nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu thế giới hủy tham gia Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai của Saudi Arabia tổ chức tại thủ đô Riyadh tuần này, còn được biết đến với tên gọi "Davos trên Sa mạc", thì Nga lại cử một phái đoàn đến bày lời ngợi ca Vương quốc và nắm bắt các giao dịch sinh lợi.
"Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là hỗ trợ việc chuyển đổi diễn ra ở Saudi Arabia. Tầm nhìn của một quốc gia đạo Hồi ôn hòa, của một nền kinh tế mới, là rất quan trọng, và chúng tôi ủng hộ tầm nhìn đó ở Saudi Arabbia ", Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư của Nga trả lời phóng viên trước khi bước vào hội nghị.
Nhà báo bình luận Jamal Khasoggi mất tích sau khi ông đến Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2/10 để lấy giấy tờ làm thủ tục kết hôn. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ có đoạn video và âm thanh chứng minh một đội an ninh Saudi Arabia đã bắt giữ phóng viên này ngay tại lãnh sự quán trước khi sát hại và phân xác ông. Ngày 26/10, Bộ Tư pháp Saudi Arabia thừa nhận vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi được tính toán trước, song chính phủ nước này vẫn một mực khẳng định cả Thái tử Mohammed bin Salman và Quốc vương Salman đều không hay biết về âm mưu tấn công nhà báo Khashoggi. Trước đó vào hôm 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi chết trong một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại thành phố Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu. Cho đến nay, 18 người Saudi Arabia đã bị bắt liên quan đến vụ này.