Vì sao Mỹ tái cơ cấu phòng thủ tên lửa?

Bộ Quốc phòng Mỹ cuối tuần qua đã công bố kế hoạch tái cơ cấu hệ thống phòng thủ tên lửa của mình ở trong nước và nước ngoài, theo đó sẽ chi 1 tỷ USD để mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa ở bờ biển phía Tây và hủy bỏ phần quan trọng trong dự án phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

 

Thực sự lo ngại về Triều Tiên?


Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Mỹ sẽ triển khai thêm 14 hệ thống tên lửa đánh chặn tại bang Alaska, nâng tổng số hệ thống tên lửa đánh chặn tại khu vực này lên 44, con số đã được dự tính từ thời chính quyền Tổng thống George W.Bush nhưng sau đó bị cắt giảm dưới nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama. Ngoài ra, ông Chuck Hagel cũng tái khẳng định việc Mỹ sẽ sớm triển khai thêm một hệ thống rađa phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản như đã cam kết.


 

Tên lửa KN - 08 của Triều Tiên khiến Mỹ lo ngại.

Ông Chuck Hagel công khai nói rằng Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại các cuộc tấn công của ICBM, đặc biệt khi Triều Tiên đã đạt tiến bộ về thực lực tấn công của tên lửa đạn đạo và có hàng loạt hành động khiêu khích vô trách nhiệm và thiếu thận trọng. Các quan chức Mỹ lo ngại nhất là tên lửa cơ động KN - 08 của Triều Tiên, xuất hiện trong một cuộc diễu hành hồi tháng 4/2012. Tên lửa KN - 08 có thể được di chuyển và che đậy, do đó khó phát hiện hơn nhiều so với các hệ thống tên lửa đặt cố định. Đô đốc James Winnefeld, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhận định: “Chúng tôi tin rằng tên lửa KN - 08 có tầm bắn vươn tới Mỹ”.


Tuy nhiên, liệu việc điều chỉnh này có phải vì Triều Tiên thực sự đã trở nên “nguy hiểm” hay nó là một phần trong kế hoạch “xoay trục” sang châu Á trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc? Dù tuyên bố là để đối phó với Triều Tiên nhưng 14 hệ thống mới phải đến năm 2017 mới được triển khai, đồng thời ông Chuck Hagel cũng không xác nhận khi nào việc triển khai này bắt đầu được thực hiện. Bên cạnh đó, tới thời điểm này, giới chuyên gia Mỹ nhìn chung vẫn cho rằng phải mất nhiều năm nữa Triều Tiên mới có thể phát triển được tên lửa hạt nhân vươn tới đất Mỹ.


Để trấn an Trung Quốc, các quan chức Mỹ từng nói rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không phải để đối phó với tên lửa của Trung Quốc mà là nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, hoặc có thể là cả Iran. Lầu Năm Góc đã thông báo với Trung Quốc về kế hoạch triển khai các tên lửa đánh chặn mới, nhưng Bắc Kinh nghi ngờ các sáng kiến phòng thủ tên lửa của Mỹ và cho rằng chúng đang nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa của chính mình, và thông báo vụ thử thành công mới nhất được thực hiện vào tháng 1 vừa qua.

 

Một mũi tên trúng hai đích


Cùng với việc tăng cường phòng thủ tên lửa trước các mối đe dọa từ châu Á, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này sẽ từ bỏ một phần trong kế hoạch phòng thủ tên lửa của mình ở châu Âu. Theo đó, giai đoạn cuối của kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tại Ba Lan và có thể là Rumani, sẽ không được thực hiện. Lý do được đưa ra là hiện khó khăn về ngân sách và kỹ thuật, đồng thời hệ thống này không giúp đối phó được mối đe dọa từ Triều Tiên.


Giới phân tích nhận định rằng việc này có thể mở ra triển vọng cho những cuộc đàm phán mới về kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga. Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị không nêu tên nhận định với hãng tin Reuters (Anh) rằng, dù vô tình hay cố ý thì quyết định hủy các tên lửa đánh chặn tầm xa này sẽ giúp Tổng thống thực hiện các mục tiêu về kiểm soát vũ khí. Hơn nữa, Giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACS) nhận định: “Mỹ không mất gì” khi cắt bỏ giai đoạn cuối của kế hoạch.


Trước đó, các quan chức Nga nghi ngờ những tên lửa ở Ba Lan và Rumani của Mỹ là nhằm chống lại các tên lửa của họ và đã ngụ ý rằng Mátxcơva sẽ không xem xét việc tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân trừ phi những quan ngại của họ được giải quyết.


Lê Dương (tổng hợp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN