Báo "Financial Times" (Anh) ngày 25/9 đăng bài viết của ông Gerard Errera, một cựu Đại sứ Pháp tại Anh, hiện là Chủ tịch Tập đoàn Blackstone (Pháp), cho rằng Anh và Pháp có quyền mang lại cho châu Âu tiếng nói lớn hơn trên thế giới. Theo tác giả bài viết, phải chăng chúng ta đang quay trở lại năm 1956? Trở lại thời điểm khi Mỹ và Liên Xô đã chặn Pháp và Anh trong hành trình đầy phiêu lưu của họ tại cuộc khủng hoảng kênh đào Suez. Ngày nay một lần nữa thế giới dường như lại đang xoay xung quanh Washington và Moscow.
Dĩ nhiên, thời thế vật đổi sao dời. Vào những năm 1950, châu Âu là chiến trường cho cuộc Chiến tranh Lạnh. Còn giờ đây, hơn hai thập kỷ đã qua kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, Nga giờ là một cựu hoàng yếu ớt còn Mỹ đang lui lại do giá trị chiến lược của châu Âu đối với Washington suy giảm.
Vì lý do đó mà vào những năm 1990, Pháp và Anh - sau trải nghiệm hổ thẹn trong cuộc chiến ở Bosnia - đã đi tới kết luận họ cần phải đảm bảo rằng họ có phương tiện để đối phó với những tình huống không nhất thiết phải có sự can dự trực tiếp của Mỹ. Đó là nền tảng của thỏa thuận Saint Malo năm 1998 nơi Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) cần phải ở vị trí có thể thể hiện "vai diễn đầy đủ" của mình trên sân khấu quốc tế. Khi đó, họ nói rằng, EU "phải có khả năng hành động độc lập với sự hỗ trợ của các lực lượng quân quân sự tin cậy".
Dường như thời gian trôi qua đã lâu. Tuy vậy cho đến hôm nay nó vẫn còn phù hợp bởi 3 lý do. Trước hết, bởi các chính quyền Mỹ ngày nay dường như ngày càng ít can dự tới các vấn đề không chỉ của châu Âu mà gần đây cả ở Trung Đông nữa. Tổng thống Barack Obama không phải yếu mà đơn giản là ông không muốn liều lĩnh với những cuộc phiêu lưu quân sự mới. Đó là lý do Mỹ rút các lực lượng khỏi Iraq và Afghanistan, miễn cưỡng can thiệp vào Libya (nơi ông phát minh khái niệm "dẫn đầu từ phía sau") và e ngại can thiệp vào Syria. Kết quả là Anh và Pháp bị loại trừ và Nga là người chiến thắng.
Lý do thứ hai là Đức, nước đã tuyên bố rõ ràng rằng họ muốn duy trì là một siêu cường tài chính và kinh tế của châu Âu, khơi nguồn các chính sách và định ra các quy tắc nhưng mặc nhiên không gánh trách nhiệm đối phó với khủng hoảng quốc tế, đặc biệt với các phương tiện quân sự. Khuynh hướng cơ bản này được thúc đẩy không chỉ bởi nỗi sợ làm tổn hại tới các mối quan hệ thương mại của Đức, đặc biệt với Trung Quốc và Nga. Sâu xa hơn chính là Đức không muốn khơi lại những vết sẹo tinh thần mà Chiến tranh Thế giới Thứ hai để lại.
Thứ ba, những gì đúng cho Đức không may lại cũng đúng đối với phần lớn các nước trong EU. Không có nhiều nước EU có tham vọng trở thành một cường quốc quân sự trên thế giới. Đối với nhiều nước thì trở thành cường quốc kinh tế là đủ. Châu Âu có quyền lực mềm thông qua khả năng định ra các quy tắc và tiêu chuẩn, cũng như mở rộng viện trợ nhân đạo và tài chính. Các nước này nghĩ rằng Mỹ có thể nắm vai trò sen đầm quốc tế. Quan niệm này trước đã sai và ngày nay lại càng không xuôi tai vì Mỹ không muốn trở thành cảnh sát của thế giới.
Vậy Pháp và Anh đang ở đâu? Cả hai đều là cường quốc hạt nhân, ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là cường quốc quân sự ở châu Âu. Việc gộp tất cả những tài sản này trong một nguồn sức mạnh mới nằm trong mối quan tâm chung của hai nước.
Nhưng để điều này thành hiện thực cần các điều kiện được đáp ứng. Cả hai nước phải nhận thức được rằng mối quan hệ của họ không thể là một trò chơi có tổng bằng không - một cuộc thi sắc đẹp để có được sự ủng hộ của Washington. Họ phải thực sự tin rằng họ có lợi ích chung trong một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc đa phương phải được thi hành nếu bị vi phạm. Họ phải thuyết phục được các đối tác châu Âu rằng nếu châu Âu muốn có tiếng nói trong các vấn đề thế giới thì phải sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có, bao gồm cả hành động quân sự nếu cần thiết.
Có một điều chắc chắn là một châu Âu có tiếng nói mạnh hơn trong các vấn đề thế giới sẽ không đến bởi ơn huệ thần thánh từ Brussels rớt xuống mà với vai trò lãnh đạo được thể hiện bởi các nước có cả ý chí chính trị và khả năng quân sự. Cho đến nay, chỉ Pháp và Anh có được vị thế này.
Tác giả bài viết kết luận sau cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, Anh và Pháp đã đi ngược chiều nhau trong chính sách đối ngoại. Sau cuộc chiến ở Bosnia, London và Paris đã ký thỏa thuận Saint Malo. Sau cuộc nội chiến ở Syria có lẽ họ nên ký một thỏa thuận Saint Malo thứ hai. Xét môi trường hiện nay ở cả hai nước, bước nhảy như vậy xem chừng hụt chân nhưng nó là cách thực tiễn duy nhất cho hai nước này để tồn tại là những nước có tiếng nói trên toàn cầu.
Đỗ Sinh