Sự chuyển hướng chiến lược của châu Âu sang châu Á

Mạng tin "Project syndicate" ngày 17/9 đăng bài của ông Javier Solana, cựu Cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), phân tích về sự chuyển hướng chiến lược sang châu Á của EU.


Chuyển sang hướng Đông


Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, trọng tâm của kinh tế toàn cầu đang chuyển sang phía Đông. Do vậy, EU cũng đứng trước một thời điểm lịch sử quan trọng, đòi hỏi liên minh này phải chuyển sang hướng Đông, theo đuổi một chiến lược châu Á nhất quán và quyết định được xây dựng dựa trên những thế mạnh của châu Âu.


Một trong những thế mạnh đó là mặc dù dân số của EU chỉ bằng 1/5 dân số của Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại và sự hiện diện quân sự tại châu Á là rất ít, nhưng nền kinh tế trị giá 16.800 tỷ USD của EU là lớn nhất thế giới. Các chính phủ châu Á đang hết sức chú trọng tới điều này vì những nước này cần tăng trưởng kinh tế để đáp ứng nhu cầu về việc làm cho nguồn dân số trẻ và ngày một tăng. Hiện nay, châu Á đang là đối tác thương mại chủ chốt của EU, vượt cả Bắc Mỹ và chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch của EU. Kim ngạch thương mại của EU với Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau kim ngạch của EU với Mỹ.


 

Châu Á đang là đối tác thương mại chủ chốt của EU.

 

Hơn nữa, EU không phải là một cường quốc Thái Bình Dương và không mang gánh nặng vị thế cường quốc tại châu Á. Đây chính là một lợi thế của EU tại châu Á vì EU có khả năng linh hoạt về ngoại giao mà Mỹ không thể có. Mặc dù được gọi là chiến lược "tái cân bằng", song sự chuyển hướng sang phía Đông của Mỹ vẫn bị một số quốc gia châu Á nghi ngờ, nhất là Trung Quốc, do bấy lâu nay Mỹ là một cường quốc quân sự và là người đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Á của mình. Ngược lại, châu Âu có thể sử dụng sự linh hoạt trên để thực hiện một chiến lược hướng Đông thông minh.


Ba mặt trận


Theo ông Solana, EU phải can dự với châu Á ít nhất trên ba mặt trận, trong đó thương mại là quan trọng nhất. Các hiệp định tự do thương mại của EU với các nền kinh tế năng động của châu Á - gồm Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan - có quy mô lớn hơn các thỏa thuận song phương trước đây.


Mặt trận can dự thứ hai của EU tại châu Á là sự hợp nhất khu vực. Đây là nền tảng cho ổn định lâu dài của châu Á vì tại châu lục này còn nhiều tranh chấp chưa được giải quyết, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ chủ nghĩa dân tộc và tranh chấp biên giới.


Tại châu Âu, hầu như không ai nghĩ đến khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa các nước thành viên. Cấu trúc thể chế của châu Âu đã tạo thuận lợi cho việc chuyển hướng từ các cuộc chiến tranh sang hòa bình và phồn vinh. Tuy nhiên, việc tạo ra cấu trúc này phải mất nhiều thập kỷ và EU nên tăng cường can dự với các cấu trúc hiện có của châu Á và cung cấp các bí quyết cần thiết, ví dụ như khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng tới một cộng đồng chung với ba trụ cột, gồm chính trị-quân sự, kinh tế và văn hóa-xã hội, vào năm 2015.


Thứ ba là mặt trận toàn cầu. EU và Trung Quốc hiện là những đối tác tự nhiên của nhau trong những vấn đề chủ chốt. Trung Quốc đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng, nhất là từ Mỹ, về việc phải đóng một vai trò chính trị toàn cầu lớn hơn, phù hợp với sức mạnh kinh tế của họ. Do vậy, EU có thể là một đối tác tốt của Trung Quốc, hoặc trong một định dạng G-3 với Mỹ, hoặc tập trung vào hợp tác song phương. Thêm vào đó, EU cũng cần duy trì các quan hệ mạnh mẽ với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.


Trong bất kỳ một chiến lược can dự toàn diện nào với châu Á, EU chỉ mạnh với tư cách một liên minh. Việc các thành viên EU thực hiện đơn phương chính sách đối ngoại với châu Á sẽ phản tác dụng, bài viết kết luận. 


D. Hoa

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN