Trang điện tử của tờ Cây Me (Deum Ampil) ở Campuchia - một tờ báo thường có quan điểm thông tin đối lập với Chính phủ Hoàng gia của Thủ tướng Hun Sen, ra ngày 27/7 vừa qua, đã đăng bài của tác giả Vann Sarai với những nhận định không khách quan, thiếu căn cứ và có thể nói là rất hàm hồ về quan hệ Việt Nam - Mỹ và tác động của mối quan hệ này trong khu vực.
Với sự ngộ nhận coi Việt Nam là “đồng minh” của Mỹ trong giai đoạn hiện nay, Vann Sarai cao giọng yêu cầu Campuchia “phải cố gắng giữ sự cân bằng của mình một cách vững chắc nhất”, “nếu không”, vẫn theo lời tác giả bài báo, “Mỹ và đồng minh có thể sử dụng mọi thủ đoạn để kéo Campuchia vào ngọn lửa chiến tranh như trong thập niên 1970”.
Lập luận rằng “Mỹ đang gia tăng ảnh hưởng bằng cách chủ động siết chặt quan hệ với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhất là các quốc gia đang có tranh chấp biên giới biển với Trung Quốc”, Vann Sarai bình luận: “Việc tranh thủ cơ hội bắt tay và mở rộng quan hệ với các quốc gia có tranh chấp biên giới biển với Trung Quốc, đặc biệt là với Việt Nam - kẻ thù cũ trong chiến tranh lạnh những năm 1960, cho thấy rõ ràng là Mỹ đang tranh giành và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á”.
Tác giả này thậm chí đã nhận định kiểu “thày bói xem voi” rằng “quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã và đang trở thành nguồn dữ liệu mới trong cuộc chiến quan hệ quốc tế của thế kỷ XXI”.
Bài trên tờ Cây Me còn cho rằng “chính sách mới trong quan hệ thân thiết Mỹ - Việt và quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Campuchia - Trung Quốc hiện nay có thể dẫn tới một bước ngoặt chính trị nguy hiểm nhất đối với Campuchia, nếu (Campuchia) không có lập trường tự cân bằng một cách ổn định.”
Tác giả bài báo bình luận một cách hàm hồ rằng “việc mở rộng quan hệ Mỹ - Việt không chỉ ngăn cản quyền lực của Trung Quốc mà còn tạo ra các mối đe dọa đối với các quốc gia đồng minh của Trung Quốc” và rằng Campuchia “đã và đang phải chịu ‘hơi nóng’ mới này”.
Vann Sarai còn nhắm mắt viết bừa rằng Campuchia có thể “rơi vào ngọn lửa chiến tranh mới nếu không giữ được thế cân bằng của mình một cách tốt nhất, khi mà Mỹ - Việt Nam siết chặt quan hệ quay mặt với Campuchia” và rằng “Mỹ và Việt Nam có thể sẽ cùng nhau đối phó với Campuchia để cùng đạt được lợi ích, với một bên nhận được lợi ích từ chính sách làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc và một bên nhận được lợi ích trong vấn đề biên giới với Campuchia”.
Những nhận định trên đây hoàn toàn mang tính suy diễn - suy diễn một cách vô căn cứ, phi thực tế, với ý đồ rất xấu.
Với chủ trương “là bạn của tất cả các nước”, Việt Nam đã thiết lập và không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với hầu hết các quốc gia trên thế giới, không phân biệt thể chế chính trị, đặc biệt quan hệ với các nước láng giềng và bạn bè truyền thống, trong đó có Campuchia, luôn được ưu tiên. Hơn nữa, Việt Nam không bao giờ liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại một nước thứ ba. Đó là chủ trương nhất quán của Việt Nam mà thế giới đều đã rõ.
Qua 20 năm kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày càng được tăng cường, phù hợp với xu thế chung của thế giới là hòa bình, hữu nghị và hợp tác để cùng phát triển.
Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với Mỹ, trước hết là vì lợi ích của hai nước, đồng thời cũng vì mục tiêu duy trì môi trường hòa bình, an ninh, an toàn và ổn định trong khu vực và trên thế giới, hoàn toàn không nhằm hạn chế ảnh hưởng của bất kỳ quốc gia nào hoặc chống lại bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia khác, kể cả Trung Quốc và Campuchia.
Đó là một thực tế.
Chỉ những ai nhắm mắt trước thực tế này hoặc tự nguyện (hoặc được thuê) làm bồi bút mới đưa ra những nhận định vu vơ, hàm hồ như tác giả của bài viết nói trên.
Việt Nam hiện nay không phải là “đồng minh” của Mỹ như suy diễn ấu trĩ của Vann Sarai. Và tác giả này cũng thật hồ đồ khi bình luận rằng “quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã và đang trở thành nguồn dữ liệu mới trong cuộc chiến quan hệ quốc tế của thế kỷ XXI” và rằng việc mở rộng quan hệ Mỹ - Việt “còn tạo ra các mối đe dọa đối với các quốc gia đồng minh của Trung Quốc” và khiến Campuchia phải chịu “hơi nóng” mới.
Tác giả Vann Sarai căn cứ vào đâu để nhận định rằng Campuchia có thể “rơi vào ngọn lửa chiến tranh mới nếu Campuchia không giữ được thế cân bằng của mình một cách tốt nhất, khi mà Mỹ - Việt Nam siết chặt quan hệ quay mặt với Campuchia” ?
Rõ là vu vơ.
Từ kinh nghiệm lịch sử xương máu, Việt Nam luôn chủ trương không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước cận kề như Lào, Campuchia và Trung Quốc. Hơn nữa, với truyền thống hòa hiếu và văn hiến của mình, Việt Nam không bao giờ quay lưng hay trở mặt với bạn bè. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Những người Campuchia được cứu thoát từ họa diệt chủng Pôn Pốt cuối những năm 1970 càng hiểu điều đó.
Bài viết nói trên của tác giả Vann Sarai rõ ràng là có dụng ý xấu, đi ngược lại nguyện vọng của Chính phủ Hoàng gia và đại đa số nhân dân Campuchia luôn mong muốn cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Xin nói thêm rằng tờ Cây Me tung ra bài viết nói trên vào lúc vừa xảy ra những vụ việc phức tạp ở khu vực cột mốc 203 trên biên giới Việt Nam - Campuchia, do một nhóm đông người Campuchia, bị một số nghị sĩ thuộc đảng đối lập ở Campuchia (Đảng Cứu nguy dân tộc) kích động, gây ra. Rõ ràng, tờ Cây Me chủ trương “tiếp lửa” cho tư tưởng dân tộc cực đoan, gây nguy hại cho quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống giữa hai nước.
Mặt khác, tung ra bài báo này, tờ Cây Me muốn “hót” cùng giọng với tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc - một tờ báo thường tỏ sự hằn học trước những tiến triển của quan hệ Việt - Mỹ.
Điều đó cũng chẳng có gì lạ.