‘Vành đai và Con đường’ – 5 năm và 5 thách thức lớn

Trang mạng chinausfocus.com có bài viết cho rằng việc Trung Quốc nhận diện được 5 thách thức đối với BRI khi nó bước sang năm thứ 5 là rất quan trọng.

Chú thích ảnh
Đồ họa sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Ảnh: chinausfocus.com

Mùa thu này, sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc bước sang năm thứ 5. Kể từ khi được công bố, BRI đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng không phải là không gây tranh cãi, bất đồng. Trang mạng chinausfocus.com có bài viết cho rằng việc Trung Quốc nhận diện được 5 thách thức đối với BRI khi nó bước sang năm thứ 5 là rất quan trọng.

Ổn định tình hình nợ trong và ngoài nước

Cho dù đẩy mạnh đầu tư ở nước ngoài, song Trung Quốc vẫn là “người đến sau” trong lĩnh vực cho vay và viện trợ tài chính phát triển, điều các nước tiên tiến đã thống lĩnh từ lâu. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở rộng tín dụng sang các thị trường “dưới chuẩn” để thiết lập chiến lược một cửa dường như là “con dao hai lưỡi” đối với cả Trung Quốc lẫn nước vay vốn. Rất khó để kiểm soát và điều tiết khoản nợ công vốn đã được định khung của Trung Quốc khi nước này đầu tư ở những nơi dễ biến động và rủi ro cao.

Mặt khác, nếu quan điểm lạc quan của Trung Quốc đối với tình hình phát triển kinh tế của các quốc gia có triển vọng tốt, thì sự can thiệp của nước này sẽ được coi là “người thay đổi cuộc chơi”. Vì thế, đây là một chiến thuật có nhiều rủi ro nếu không xem xét cẩn thận thì nó có thể sẽ phản tác dụng.

Tìm ra giải pháp giảm rủi ro mang tính sáng tạo và có thể chấp nhận

Việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như một hình thức thanh toán thay thế các khoản vay hay việc sử dụng hoán đổi trả nợ để kiếm lời đã làm nảy sinh những lo ngại trên toàn thế giới. Nhiều người chỉ trích Bắc Kinh sử dụng các khoản cho vay để thu mua tài nguyên và tài sản chiến lược của các quốc gia vay nợ và gọi đây là “chính sách ngoại giao bẫy nợ”. Vì vậy, việc vạch ra thời hạn hợp lý cho các quốc gia mắc nợ lớn trả nợ là rất quan trọng cho hình ảnh của BRI trước công chúng.

Không ai nghi ngờ năng lực của Trung Quốc trong việc xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển một khuôn khổ để thực hiện các dự án khả thi ở nước ngoài có thể sẽ mất nhiều thời gian. Vì thế, yếu tố thận trọng khi hoạch định các dự án thương mại lớn là hết sức cần thiết để giảm thiểu rủi ro tài chính cho Trung Quốc và đảm bảo dự án có tác động tích cực cho các quốc gia đi vay.

Chú thích ảnh
Một dự án phát triển cảng tại Sri Lanka sử dụng vốn vay từ Trung Quốc. Ảnh: The National

Đem lại lợi ích cho nước đi vay nhiều hơn

Cần phải mở rộng yếu tố bản địa trong các dự án BRI để xua tan quan ngại và đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho các quốc gia vay vốn để phát triển cơ sở hạ tầng. Dù ở bất cứ nơi đâu, các nhà thầu Trung Quốc nên chú ý đầu vào chẳng hạn như lao động, nguyên liệu…để đóng góp hiệu quả hơn cho các nền kinh tế địa phương. Thiết lập quan hệ đối tác với các công ty địa phương để nâng cao hiểu biết về môi trường kinh doanh nội địa sẽ là một ý tưởng không tồi. Những kỹ năng, kiến thức và chuyển giao công nghệ cũng cần thiết để xây dựng năng lực địa phương và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong vận hành và bảo trì.

Khả năng thay đổi ban lãnh đạo ở các quốc gia tham gia BRI

Các cuộc bầu cử gần đây ở Sri Lanka, Malaysia và Pakistan đã đẩy các dự án do Trung Quốc cho vay vốn vào tình thế khó xử. Những lời đe dọa như xem xét, trì hoãn, thương lượng lại hay hủy các dự án gây phương hại cho giới đầu tư Trung Quốc, quan hệ rạn nứt và khiến cho các dự án dài hạn đối mặt với tương lai bất ổn. Tuy nhiên, đây là những thực tế mà Trung Quốc không thể không xem xét. Những lý do như tham nhũng và sai phạm khiến giới lãnh đạo mới tranh cãi hoặc đòi thương lượng lại các dự án do nước ngoài tài trợ.

Do đó, việc duy trì quan hệ dài hạn với các đối tác ở các nước vay nợ - ví như phe đối lập, giới truyền thông và các doanh nghiệp bản địa – có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là chìa khóa thành công cho BRI.

Chú thích ảnh
Diễn đàn hợp tác quốc tế về "Vành đai và Con đường" diễn ra tháng 5/2017 tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Hài hòa giữa các tiêu chuẩn mới và các thể chế cho vay truyền thống

Việc Trung Quốc nổi lên như một nhà tài trợ mới sẽ làm đảo lộn các quy tắc vay mượn quốc tế vốn được thiết lập từ lâu. Điều này có thể đẩy các quốc gia vay mượn và các thị trường tài chính phát triển vào thế nguy hiểm. Nhiều năm qua, các nước đang phát triển và kém phát triển đã phàn nàn về các điều kiện cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Vì thế, việc Trung Quốc cam kết cho vay “không kèm theo điều kiện” đã gây được tiếng vang.

Năm 2016, để đối phó với các hoạt động mở rộng viện trợ của Trung Quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã xem xét lại các quy định cho vay. Dù tốt hay xấu, danh mục viện trợ của Trung Quốc đem lại lợi thế rõ ràng cho nhà nước hơn là tư nhân khi đầu tư vào các dự án ở các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

Khi “Vành đai và Con đường” bước sang năm thứ 5, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần phải tính tới việc xử lý các thách thức mới nảy sinh. Thành công của BRI phụ thuộc rất lớn vào việc Trung Quốc cân bằng các nhu cầu trong nước và lợi ích của các quốc gia vay nợ.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Bẫy nợ của Trung Quốc trong 'Vành đai và Con đường'
Bẫy nợ của Trung Quốc trong 'Vành đai và Con đường'

Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong khuôn khổ “Vành đai, Con đường” nhưng có ý kiến cho rằng nhiều quốc gia nghèo vay nợ từ Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với “đường cùng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN