Vấn đề thực sự của các cuộc trưng cầu ý dân

Nhìn nhận một cách sâu xa hơn thì trong lịch sử, các cuộc trưng cầu dân ý do những nhóm người khác nhau tiến hành thực ra là một cách bào chữa, biện hộ cho việc lật đổ hoặc xóa bỏ trật tự thể chế vào thời điểm đó.

Trong thời đại Internet hiện nay, những cử tri đều mong muốn có được “danh sách chính trị” của chính mình. Điều này giải thích vì sao các nhà lãnh đạo buộc phải nhượng bộ bằng việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý “quá thường xuyên”. Đây thực sự không phải là xu hướng tích cực cho sự phát triển tốt đẹp.

Hệ quả của cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha vẫn còn đang rất khó đoán định. Thủ lĩnh nhóm ly khai tại Catalonia, ông Carles Puigdemont, vẫn còn có thời gian đến ngày 10/10 để đưa ra quyết định liệu có đơn phương tuyên bố tách khỏi Tây Ban Nha – có nguy cơ dẫn đến các vụ bạo lực nghiêm trọng hơn – hay sẽ rút lui trước vực thẳm và tham gia các cuộc tranh cãi chính trị kéo dài với chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

Một áp phích liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý ở vùng Catalonia tại Santa Coloma de Gramenet ngày 16/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, ít nhất là trên một khía cạnh nào đó, sự biến chuyển không bình thường và bất ngờ của các sự kiện tại Tây Ban Nha thực sự đã minh chứng cho một xu hướng đang lan rộng và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm: Sự gia tăng việc lạm dụng các cuộc trưng cầu dân ý với bao biện là một cơ chế để hợp pháp hóa các yêu sách và đòi hỏi về mặt chính trị của một nhóm người nhỏ hẹp.

Nói chung, các cuộc trưng cầu dân ý là những sự kiện không được diễn ra thường xuyên. Trong suốt nửa cuối của thế kỷ 20, trung bình chỉ có khoảng 10 cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trên toàn thế giới trong một năm. Tuy nhiên, gần đây con số này đã tăng gấp 5 lần.

Những người đề xuất, đòi hỏi hoặc tiến hành tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ca ngợi đây là hình thức cao nhất của dân chủ, là cơ hội để từng người dân bình thường được trực tiếp tham gia vào tiến trình đưa ra quyết định chính trị. 

Nhưng khác xa với việc được coi là dân chủ, các cuộc trưng cầu dân ý thông thường chỉ mang lại điều gì đó trông giống như “sự tham vấn ý kiến người dân” và không có gì là thực chất cả. 

Và việc lạm dụng các cuộc trưng cầu dân ý hiện nay không phải là một biểu hiện của sự vững mạnh về mặt chính trị mà là một khía cạnh khác của điều ngược lại - sự yếu kém chính trị - và là một sự biểu thị khác nữa của chủ nghĩa dân túy hiện đang lan tràn ở nhiều quốc gia phương Tây.

Sự kiện đầu tiên được công nhận là một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại Thụy Sĩ vào thế kỷ 13. Cho đến nay, người dân Thụy Sĩ vẫn là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với hình thức này. Họ đã tổ chức khoảng 190 cuộc trưng cầu trong vòng chỉ hơn 20 năm qua.

Tuy vậy, nhìn nhận một cách sâu xa hơn thì trong lịch sử, các cuộc trưng cầu dân ý do những nhóm người khác nhau tiến hành thực ra là một cách bào chữa, biện hộ cho việc lật đổ hoặc xóa bỏ trật tự thể chế vào thời điểm đó.

Hoàng đế Napoleon Bonaparte của Pháp rất ưa thích tổ chức trưng cầu dân ý. Người anh của ông ta đã tổ chức một cuộc trưng cầu vào năm 1800 để sửa đổi Hiến pháp cộng hòa ngày đó. Bản thân Napoleon cũng đã tự mình xưng là hoàng đế trong một cuộc trưng cầu khác vào năm 1804.

Trùm phát xít Đức Adolf Hitler cũng rất thích trưng cầu. Kẻ độc tài này đã tổ chức không ít hơn 4 cuộc trưng cầu trong quãng thời gian 5 năm cầm quyền của mình – tất cả chỉ nhằm bao biện cho vai trò của một kẻ đầu sỏ chiến tranh và giết người tàn bạo. Và không cần phải nói, trong tất cả các cuộc trưng cầu dân ý nói trên, những người bỏ phiếu “đồng ý” hay “tán thành” đều vượt qua con số 90%.

Sự nghi ngại rằng các cuộc trưng cầu toàn dân có thể chỉ dẫn đến việc “cướp đoạt trật tự” là lý do chính cho việc hình thành hệ các thống nghị viện hoạt động theo kiểu mô hình ở Mỹ, ở phần lớn các nước châu Âu và các quốc gia khác như Singapore. Ở những nước này, các khu vực cử tri sẽ định kỳ bỏ phiếu bầu cho các đại diện của họ, nhưng chính những người đại diện này – chứ không phải công chúng nói chung – mới là người đưa ra quyết định chính trị cuối cùng thay mặt cho các cử tri.

Thủ tướng Anh thời kỳ hậu chiến tranh Clement Attlee đã từng nói trưng cầu dân ý là “phương tiện của các kẻ độc tài và những kẻ mị dân”.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trưng cầu dân ý không có vị trí của mình. Hầu hết Hiến pháp các nước đều có một số điều khoản quy định về khả năng tiến hành trưng cầu dân ý, mặc dù chỉ trong những trường hợp ngoại lệ. Tại Đức, trưng cầu toàn dân chỉ có thể tiến hành khi có sự thay đổi thể chế lớn. Trong khi đó ở Singapore, trưng cầu dân ý chỉ được tiến hành trong những tình huống duy nhất, hoặc là có sự bất đồng, bế tắc pháp lý sâu sắc giữa Quốc hội và Tổng thống, hoặc là trong trường hợp có sự “từ bỏ hoặc chuyển giao, toàn bộ hay một phần, chủ quyền của Cộng hòa Singapore”.

Ngay cả đối với các quốc gia như Thụy Sĩ, nơi trưng cầu dân ý được xem là thông lệ hơn là ngoại lệ, sự quản lý điều hành tốt không nhất thiết phải là kết quả cuối cùng của cuộc bỏ phiếu toàn dân. Đến tận năm 1971, nữ giới Thụy Sỹ mới có quyền bầu cử, chủ yếu do nam giới nước này liên tục chống lại quyền này. Và cho đến tận năm 1991 thì quyền bầu cử của phụ nữ tại Thụy Sỹ mới được toàn dân nước này chấp nhận. Thụy Sĩ cũng là nước khởi xướng, bắt nguồn của một số “sự đổi mới sáng tạo” kỳ lạ như việc cấm xây dựng các tòa tháp thánh đường.

Khía cạnh rút gọn của các cuộc trưng cầu

Tuy vậy, bỏ qua những mục đích nói chung trong các cuộc trưng cầu, cũng có những khó khăn thực tế nhất định. Đầu tiên chính là sự liên quan đến vấn đề được đưa ra trong một cuộc trưng cầu. Vấn đề này có xu hướng được đơn giản hóa từ rất phức tạp trở thành cực kỳ đơn giản với câu trả lời chỉ là “có’ hay “không”.
Năm ngoái, người dân nước Anh được yêu cầu bỏ phiếu về việc rời bỏ khỏi Liên minh châu Âu, một vấn đề rất phức tạp liên quan đến pháp lý và đụng chạm đến mọi mặt đời sống của từng cá nhân. Người dân Anh đã bỏ phiếu quyết định rời bỏ EU, và hiện tại họ đang thực sự nếm trải hậu quả mà quyết định này đưa lại. Vấn đề đáng nói ở đây là việc một vấn đề cực kỳ phức tạp như vậy lại chỉ được đơn giản là đưa ra bỏ phiếu quyết định dưới hình thức rất thiếu trách nhiệm và thiếu trang trọng.

Cũng có rất nhiều những khó khăn lớn trong việc chấp nhận yếu tố “đa số nào” sẽ được coi là có ý nghĩa quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý. Thực sự đã có sự chấp nhận thực tế rằng quyết định cực kỳ quan trọng là rời bỏ EU của người Anh chỉ được 51,9% cử tri bỏ phiếu đồng ý, trong khi đó chỉ có 72% trong tổng số người được quyền bỏ phiếu là đi bỏ phiếu.

Không phải là không có ý nghĩa khi mà một số tiến trình lập pháp đòi hỏi phải có được “siêu đa số”, như là tỷ lệ 2/3 số người bỏ phiếu, ủng hộ trong một cuộc trưng cầu trước khi các sự thay đổi được áp dụng hơn là việc chỉ đơn giản thông qua với tỷ lệ “50% + 1”.

Tại Singapore, một cuộc trưng cầu dân ý về việc từ bỏ bất kỳ phần nào chủ quyền lãnh thổ của nước này sẽ chỉ được coi là có giá trị nếu 2/3 số người bỏ phiếu ủng hộ, và quy định này trong Hiến pháp Singapore chỉ có thể sửa đổi trong một cuộc trưng cầu dân ý riêng rẽ nếu 2/3 số người bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi. Hình thức bảo vệ đặc biệt “khóa hai lớp” như vậy được thiết kế để ngăn ngừa chính xác những gì diễn ra tại Anh hiện nay, nơi mà chỉ “một đa số nhỏ” cử tri có thể thay đổi cả lịch sử đất nước mà không hề có bất kỳ tranh cãi nào.

Một câu hỏi lớn hơn đó là về những ai được quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Đây thực sự là vấn đề quyết định và được minh chứng rõ nét trong trường hợp ở Catalonia tuần trước. Những người ly khai xứ Catalan cho rằng chỉ những người dân xứ Catalonia mới được bỏ phiếu trong khi những đại diện cho 42 triệu người dân Tây Ban Nha còn lại cũng đòi hỏi rằng họ phải được có tiếng nói đối với tương lai của đất nước.

Quan trọng hơn, trưng cầu dân ý không thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề có tính bản chất, nội dung. Ví dụ như việc Vương quốc Anh rời bỏ EU hiện nay đang gặp rất nhiều tranh cãi mạnh mẽ. 

Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Scotland đang yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, để có thể “phục thù” thất bại trong cuộc trưng cầu nằm ngoái. Người Pháp bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý chống lại Hiến pháp châu Âu, nhưng lại chấp nhận thông qua Hiến pháp này một cách bí mật. Người Hà Lan năm ngoái bỏ phiếu chống lại một thỏa thuận tự do thương mại với Ukraine, nhưng hiện tại thỏa thuận này đang được áp dụng. Và tại tỉnh Quebec của Canada, hai cuộc trưng cầu độc lập đã thất bại trước khi vấn đề này được tạm ngừng bàn thảo.

Do vậy, với những khó khăn nói trên, tại sao các cuộc trưng cầu dân ý vẫn có xu hướng gia tăng? Lý do chủ yếu là các chính trị gia được cử tri bầu  không có đủ dũng cảm để đưa ra các quyết định thực chất và quan trọng. Họ thiên về việc “đẩy quả bóng trách nhiệm” này đến tay số đông cử tri mà ví dụ rõ nét nhất chính là cuộc trưng cầu dân ý cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã tiến hành năm ngoái.

Nhưng cũng vì số đông cử tri trong thời đại điện tử hiện nay thực sự đề cao các quyết định tức thời; họ hiện tại đang ngày càng có xu hướng đặt ngang hàng sự tham gia chính trị của mình với những gì tương tự như những “dòng tweet” hay đưa ra những “bình luận” hoặc “phản hồi ngay lập tức” trên các trang mạng xã hội.

Theo Straits Times (Singapore), Giáo sư Matt Ovortrup giảng dạy khoa học chính trị ứng dụng tại Đại học Coventry cho rằng số đông cử tri đang ngày càng trở nên “có tính cá nhân” hơn và có xu hướng “rời xa các thỏa thuận gói gọn” của những sự dàn xếp thể chế nghị viện. “Chúng ta trông đợi có đủ khả năng để biên soạn những danh sách bài hát ưa thích của chính chúng ta. Và trong chính trị cũng thế”.

Vấn đề của cuộc trưng cầu xứ Catalonia

Chính vì thế, xu hướng gia tăng các cuộc trưng cầu dân ý có thể không thể ngăn chặn được. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất kỳ ai cũng nên chấp nhận những gì diễn ra tại xứ Catalonia vừa qua. Cuộc bỏ phiếu này thực sự là một sự xấu hổ và không xứng đáng với tên gọi là một cuộc trưng cầu dân ý. Không có danh sách người bỏ phiếu, không có sự kiểm tra, giám sát ai đã bỏ phiếu và tại sao. Cũng chẳng có ủy ban bỏ phiếu, chẳng có các chiến dịch vận động. Những người bỏ phiếu được khuyến khích in phiếu của họ tại nhà và “càng nhiều phiếu được in, thì càng tốt”.

Những người ly khai xứ Catalan cũng không thực sự đại diện cho đa số. Trong cuộc bầu cử năm 2015, họ không chiếm được đa số, và chính xác là họ đã thúc đẩy cuộc trưng cầu đáng xấu hổ này chính bởi vì không thể đạt được những gì họ muốn bằng cách hợp pháp khác.

Cuối cùng, có rất nhiều những ví dụ trong lịch sử cho thấy ngay cả khi chính quyền trung ương không chấp nhận kết quả của những cuộc trưng cầu được tổ chức tốt thì cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của quốc gia đó. Lấy ví dụ nước Mỹ chẳng hạn, các cuộc trưng cầu độc lập tại Texas, Tennessee và Virgina năm 1861 đã không được chấp nhận do vi phạm pháp luật. Đan Mạch đã từ chối chấp nhận kết quả một cuộc bỏ phiếu độc lập tại quần đảo Faroe của nước này năm 1946. Người dân đảo này sau đó đã tẩy chay những người ủng hộ ly khai, và quan trọng hơn, hiện tại vẫn là một bộ phận của Đan Mạch.

Những minh chứng trên thực sự tiếp thêm hy vọng cho Tây Ban Nha cũng như đồng minh và bạn bè của nước này trên toàn thế giới để có lập trường kiên định đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Catalonia. Không phải bởi vì Catalan không phải là một quốc gia; Catalan là một nước và người dân xứ này có quyền được công nhận và tôn trọng. Không phải bởi vì người dân xứ Catalan không có tiếng nói; họ bỏ phiếu tự do, cho những hội, nhóm, ủy ban để chăm lo các vấn đề của họ. Không phải bởi vì họ sẽ không bao giờ được độc lập; nếu đó là những gì họ và phần còn lại của Tây Ban Nha quyết định, không một ai khác có thể phản đối.

Người Tây Ban Nha phải kiên định vì những gì đã diễn ra trong cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia tuần trước không thể được cho phép tồn tại. Đó là sự phủ định, chối bỏ chính phủ hợp Hiến và bởi vì toàn bộ xu hướng gia tăng các cuộc trưng cầu dân ý đang làm xói mòn, hủy hoại trật tự quốc tế hiện thời. 

Nguyễn Vũ/Báo Tin Tức
Catalonia sẽ áp dụng luật trưng cầu ý dân để tuyên bố độc lập
Catalonia sẽ áp dụng luật trưng cầu ý dân để tuyên bố độc lập

Ngày 8/10, nhà lãnh đạo vùng Catalonia của Tây Ban Nha, ông Carles Puigdemont tuyên bố vùng lãnh thổ này sẽ áp dụng một đạo luật trưng cầu ý dân, trong đó sẽ tuyên bố độc lập nếu kết quả trưng cầu cho thấy phe ủng hộ chiếm đa số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN