Trong một thông báo đưa ra ngày 25/12, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine xác nhận quân đội nước này đã phá huỷ hai máy bay ném bom chiến đấu của Nga, gồm một chiếc Su-34 và một chiếc Su-30.
Trước đó, Không quân Ukraine báo cáo là vào tối 24/12, họ đã bắn hạ một chiếc Su-34 ở vùng trời phía trên mặt trận Mariupol và một chiếc Su-30 trên hướng Biển Đen thuộc tỉnh Odesa.
Trên kênh Telegram, Tư lệnh Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleshchuk cho biết thêm qua nghiên cứu các mảnh vỡ của vật thể có thể xác nhận rằng hệ thống tên lửa phòng không của Ukraine đã bắn trúng máy bay ném bom chiến đấu Su-34 trên mặt trận Mariupol.
Trước đó vào hôm 22/12, theo thông báo của phía Ukraine, Không quân Nga phải chịu tổn thất nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 khi mất tới ba chiếc máy bay ném bom chiến đấu Su-34 trong cùng một ngày ở mặt trận phía Nam thuộc vùng Kherson.
Tới nay, quân đội Nga chưa bình luận gì về thông tin việc những chiếc Su-34 của họ bị phía Ukraine bắn hạ, nhưng các blogger và một số cơ quan truyền thông Nga đã thừa nhận tổn thất này.
Sau những tổn thất nêu trên, theo người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat thì phía Nga đã giảm số lượng các đợt tấn công đường không nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine.
Thay vào đó, theo Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine, phía Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái và pháo binh trong các hoạt động tấn công ở Ukraine.
Tuy nhiên điều đáng chú ý hơn cả không phải là những điều chỉnh của phía Nga mà có lẽ chính là việc lý giải tại sao phòng không, không quân Ukraine lại dồn dập nhận tin “chiến thắng”, được ông Zelensky ca ngợi.
Thứ nhất là về tên lửa bắn hạ Su-34. Thông tin của phía Ukraine cho hay gần đây, Nga tăng cường không kích ở Kherson, nơi Ukraine đã đạt được một số bước tiến nhất định trong phản công. Nhờ ưu thế về đường không, Nga thường xuyên ném bom xuống bờ Đông sông Dnipro, nơi mà Ukraine đã xây dựng được tiền đồn, tạo ra thử thách rất lớn đối với các lực lượng Ukraine. Khó khăn của Ukraine ở chỗ máy bay chiến đấu của Nga thường phóng tên lửa và thả bom từ khoảng cách khoảng 50 km, nghĩa là ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không thông thường như “Buk-M1”.
Điều may mắn là Ukraine đã sở hữu ba hệ thống phòng không Patriot có tầm bắn lên tới 160 km, tạo ra khả năng uy hiếp từ xa đối với các máy bay chiến đấu của Nga. Trong vụ bắn hạ các máy bay ném bom chiến đấu Su-34 của Nga ở Kherson, các nhà phân tích cho rằng tên lửa Patriot do Mỹ và đồng minh cung cấp cho Ukraine có thể đã được sử dụng. Eurasia Daily, một tạp chí có trụ sở tại Nga, cho rằng tuyên bố bắn hạ Su-34 của phía Ukraine là hợp lý vì với tầm bắn lên tới 160 km (100 dặm), tên lửa Patriot có thể vươn tới các mục tiêu trên cao từ phía Tây sông Dnipro. Việc Ukraine sử dụng hệ thống Patriot, đặc biệt là đưa ra áp sát tiền tuyến, sẽ làm giảm đáng kể lợi thế của Nga trong tác chiến đường không trên bầu trời ở khu vực tiền tuyến, cả Kherson lẫn Donetsk.
Thứ hai là việc phát hiện Su-34. Thông thường, Su-34 được trang bị các thiết bị tự bảo vệ và khi phát hiện sóng radar, phi công sẽ sử dụng tên lửa chống radar Kh-31P. Đây là loại tên lửa với biệt danh “thần chết siêu thanh”, có thể tấn công trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm, được phía Nga sử dụng nhiều để vô hiệu hóa các radar phòng không của Ukraine. Su-34 bị bắn hạ, nghĩa là phi công không kịp tiêu diệt radar của Ukraine, không chỉ bị radar của Ukraine phát hiện, mà còn để chúng kịp thời chuyển dữ liệu mục tiêu cho tên lửa đối không thực hiện nhiệm vụ. Không rõ phía Ukraine phát hiện mục tiêu như thế nào, bằng radar của mình hay nhờ sự hỗ trợ của các máy bay cảnh báo sớm AWACS của phương Tây. Tuy nhiên, dù thế nào việc Su-34 của Nga hiện hình trên màn radar và bị khoá mục tiêu rồi bị bắn hạ cho thấy bước tiến mới của Ukraine, đặt các chiến đấu cơ của Nga trước rủi ro lớn.
Cùng với việc sắp tới, như tiết lộ của Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo hôm 19/12, Ukraine sẽ nhận được một số hệ thống tên lửa phòng không Patriot mới và 18 chiếc máy bay tiêm kích F-16 từ Hà Lan, năng lực phòng không cũng như năng lực tác chiến đường không của Ukraine sẽ tăng mạnh.
Dự kiến, mùa đông năm 2023 và mùa đông năm 2022 sẽ có sự khác biệt trên chiến trường Ukraine.
Có thể giống như năm 2022, Nga tiếp tục tập trung vào việc phá huỷ hệ thống năng lượng của Ukraine trong mùa đông, nhưng nhiều khả năng, Moskva phải sử dụng chiến thuật tấn công tầm xa và máy bay không người lái nhiều hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Với Ukraine, khi áp lực bị tấn công từ trên không giảm xuống do có thêm nhiều hệ thống Patriot và với sự hỗ trợ của những chiếc F-16, lực lượng mặt đất sẽ tự tin hơn trong hoạt động phản công.
Chiến trường Ukraine vì thế có thể trở thành nơi đối đầu giữa các loại vũ khí tiên tiến cả về phòng không lẫn về không quân giữa Nga và phương Tây.