Những cuộc “đấu khẩu” và “đấu đòn cân não” Mỹ - Triều có lúc đã đẩy tình hình đến sát “miệng hố chiến tranh”. Những tiến bộ vượt bậc của Bình Nhưỡng trong công nghệ tên lửa đã biến cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên từ một bài toán khó của khu vực thành mối đe dọa hiện hữu đối với cả những quốc gia cách đó nửa vòng Trái Đất.
Thế và lực mới
Trong gần 12 tháng qua, kể từ khi nước Mỹ có Tổng thống mới với phong cách lãnh đạo của một doanh nhân quyết đoán, các chính sách khó lường và phát ngôn bạo miệng, đặc biệt là quan điểm hết sức cứng rắn đối với Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã đáp lại bằng hàng loạt vụ thử tên lửa gây kinh ngạc, cùng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 có cường độ mạnh nhất từ trước tới nay, mà Bình Nhưỡng tuyên bố là bom nhiệt hạch.
Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên ngày 29/11. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Số vụ phóng thử tên lửa đã gia tăng chóng mặt, đặc biệt có 3 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15, loại tên lửa có tầm bắn bao phủ toàn bộ nước Mỹ và có thể vươn tới bất kỳ đâu trên thế giới, và tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong-2, loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ưu việt hơn nhiều so với các tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu lỏng trước đây. Kết quả các vụ phóng ngày càng cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của chương trình tên lửa và hạt nhân mà Bình Nhưỡng theo đuổi.
Mặc dù chưa thể xác nhận về khả năng Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Triều Tiên đang tiến gần hơn bao giờ hết tới việc sở hữu một loại tên lửa đạn đạn liên lục địa đáng tin cậy, có thể đe dọa các mục tiêu trên lãnh thổ lục địa Mỹ. Hơn 20 vụ phóng tên lửa cùng một vụ thử hạt nhân với sức công phá lớn nhất từ trước tới nay không những đã cho thấy bước nhảy vọt về năng lực quân sự của Bình Nhưỡng, mà còn tạo ra những nhân tố mới thay đổi “cuộc chơi”, góp phần tăng thêm “sức nặng” cho nhà lãnh đạo Triều Tiên một khi đàm phán có thể được nối lại.
Chiến lược răn đe không đạt hiệu quả
Lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn cách xử lý khác so với chính quyền tiền nhiệm trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Chính quyền mới đã tuyên bố kết thúc chính sách “kiên nhẫn chiến lược” dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thay vào đó, ông Trump thúc đẩy một cách tiếp cận “gây sức ép tối đa” bằng những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn, những quyết định triển khai nhiều vũ khí chiến lược tới Bán đảo Triều Tiên, cộng với những lời lẽ đe dọa ở mức độ cao nhất và mạnh mẽ chưa từng thấy ở bất cứ đời tổng thống nào của Mỹ. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sử dụng “quân bài” trừng phạt nước thứ ba để thúc ép các nước tham gia ngăn cản chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Mặc dù tuyên bố chấm dứt chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền cũ, song những động thái của Nhà Trắng trong năm qua cũng cho thấy dường như chính quyền Tổng thống Trump vẫn còn lúng túng, chưa xác định rõ cách tiếp cận từ chi tiết tới tổng thể trong vấn đề Triều Tiên. Khi thì ông tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu điều kiện cho phép. Nhưng lúc khác, ông lại đưa ra những phát ngôn cực đoan, thậm chí “hung hăng” và bóng gió ám chỉ một cuộc chiến tranh phòng vệ hay tấn công phủ đầu.
Cái gọi là “lựa chọn quân sự” trong suốt cả năm 2017 đã được ông Trump nhiều lần nhắc tới và trở thành một phần của cuộc “đấu khẩu” Mỹ - Triều. Đó là chưa kể tình trạng nội bộ bất nhất trong chính quyền Mỹ, điển hình là vụ việc gần đây nhất Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Bình Nhưỡng thì ngay lập tức Nhà Trắng lên tiếng bác bỏ, đồng thời cho biết không thay đổi điều kiện đàm phán là Triều Tiên phải ngừng hoàn toàn các vụ thử hạt nhân, tên lửa.
Những diễn biến thực tế thời gian qua cho thấy rõ ràng chiến lược gây sức ép của Washington hầu như không những không phát huy tác dụng, thậm chí còn trở thành một “chất xúc tác” cho quyết tâm hạt nhân của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã biến những đe dọa không tiếc lời của ông Trump thành “lý do chính đáng” cho việc Triều Tiên phải đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực theo đuổi chương trình hạt nhân, tên lửa của mình. “Cuộc chơi” đã không diễn ra theo sự dẫn dắt của Mỹ khi các cuộc thử nghiệm vũ khí mới của Triều Tiên vẫn tỷ lệ thuận với các lệnh trừng phạt, khiến cho tình thế càng bế tắc hơn.
Cần cách tiếp cận mới
Trong bối cảnh các biện pháp đe dọa, trừng phạt đều không phát huy hiệu quả, kể cả 3 nghị quyết liên quan được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành trong năm 2017, còn giải pháp quân sự sẽ chỉ gây tổn hại cho tất cả các bên, rõ ràng ngoại giao là con đường duy nhất có thể giúp phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), tần suất các hành động bị coi là “mang tính khiêu khích” của Triều Tiên thường tỷ lệ nghịch với mức độ ngoại giao Mỹ - Triều.
Và năm 2017 được coi là năm ngoại giao Mỹ - Triều xuống thấp nhất kể từ khi Washington bắt đầu can dự để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng cách đây hơn 25 năm. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phát biểu mới nhất đã gọi Triều Tiên là điểm nóng căng thẳng và nguy hiểm nhất trong các vấn đề an ninh gây quan ngại của thế giới hiện nay, đồng thời nhấn mạnh chỉ có thiết lập các kênh đối thoại mới giúp tránh được căng thẳng bùng phát thành xung đột.
Tuy nhiên, để có thể trở lại bàn đàm phán, đòi hỏi các bên có những bước đi thỏa hiệp để tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại. Gần đây, Nga và Trung Quốc đã đề xuất cơ chế “cùng đóng băng”, tức là Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung ở bán đảo Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng chấm dứt thử tên lửa và hạt nhân, làm tiền đề cho kế hoạch nối lại đàm phán, có thể là song phương hoặc đa phương theo cơ chế đàm phán 6 bên trước đây. Thế nhưng, cho tới nay, cả Mỹ và Triều Tiên đều chưa bên nào chịu “xuống thang”, khiến cho khả năng hạ nhiệt tình hình vẫn còn mờ mịt.
Triều Tiên kiên quyết chỉ nối lại đàm phán khi không đi kèm điều kiện, còn Tổng thống Mỹ Trump trong chiến lược an ninh quốc gia công bố ngày 18/12 một lần nữa khẳng định Triều Tiên là một trong những “mối đe dọa hàng đầu” với Washington. Rõ ràng, các cuộc đàm phán sẽ khó có thể bắt đầu từ quan điểm buộc Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân-tên lửa, bởi Bình Nhưỡng từng tuyên bố lý do cơ bản buộc họ theo đuổi chương trình này là “chính sách thù địch” của Mỹ, và những hành động liên tiếp trong năm qua của Triều Tiên cho thấy quốc gia này đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu cơ bản là tạo “sự cân bằng chiến lược” với Mỹ.
Dù vô vàn khó khăn, nhưng cơ hội không phải là không có khi mà các bên đều nhận thấy rõ sự kém hiệu quả của các biện pháp được áp dụng suốt từ đầu năm tới nay. Từ phía Mỹ, thay cho những tuyên bố sặc mùi chiến tranh là những phát biểu mềm dẻo, hướng tới đối thoại hơn. Tổng thống Trump còn bày tỏ mong muốn có thêm sự trợ giúp từ Tổng thống Nga V.Putin trong vấn đề Triều Tiên. Ngược lại, trong phát biểu mới nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ quyết tâm đưa Triều Tiên “độc lập về chính trị, tự cường về kinh tế và tự lực về quốc phòng” nhưng tránh những ngôn từ mang tính hiếu chiến thường thấy.
Trước đó, phát biểu sau vụ thử tên lửa hôm 29/11, ông Kim Jong-un cũng cam kết Triều Tiên sẽ là một “cường quốc hạt nhân có trách nhiệm”, không đe dọa bất kỳ nước nào và khu vực nào nếu các lợi ích của nước mình không bị đe dọa. Đó có thể được xem là những tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đã sẵn sàng đối thoại và quan tâm tới biện pháp ngoại giao một cách nghiêm túc hơn. Cũng qua đó, Triều Tiên đã khéo léo đá “quả bóng đối thoại” sang phía sân Mỹ.
Để chớp thời cơ hiếm hoi hiện nay đòi hỏi có sự phối hợp hiệu quả của các bên liên quan chủ chốt, đặc biệt là phải có sự tiếp cận tỉnh táo, thiện chí và thực chất hơn từ phía Mỹ. Có như vậy, mới có thể tạo tiền đề cho một giải pháp ngoại giao lâu dài cho hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, và người dân trong khu vực cũng như trên thế giới mới có thể thoát khỏi tâm lý sợ hãi trước “bóng ma” chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.