Khi theo dõi các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế, thế giới chủ yếu tập trung vào tác động của nó đối với nền kinh tế Hy Lạp và các nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý nhưng lại không được quan tâm là các cuộc đối thoại này đã làm hồi sinh các kế hoạch về một hệ thống vận tải chiến lược của Bắc Kinh, nhằm hội nhập châu Âu và Địa Trung Hải sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras tại Athens ban đầu đã công bố các kế hoạch dừng việc tư nhân hóa cảng biển lớn nhất của Hy Lạp là Piraeus, gây quan ngại cho các nhà đầu tư đến từ Tập đoàn vận tải biển Cosco của Trung Quốc, vốn muốn có cổ phần đa số tại cảng biển này.
Tuy nhiên, nằm trong kế hoạch kéo dài cứu trợ bốn tháng đã đạt được vào cuối tháng 2/2015 giữa Hy Lạp với bộ ba chủ nợ là Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hy Lạp đã quyết định nối lại kế hoạch tư nhân hóa đã thống nhất trước đó, trong đó có cảng biển Piraeus.
Cảng biển Piraeus lớn nhất Hy Lạp. |
Tập đoàn Cosco dự kiến sẽ biến cảng biển Piraeus thành một điểm nối chủ chốt trong hệ thống vận tải "Một vành đai, Một con đường", một dự án khổng lồ của Bắc Kinh nhằm xây dựng một hành lang trên bộ và một tuyến đường biển nối miền Đông Trung Quốc với Tây Âu. Nỗ lực kết nối Âu-Á này dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc, trước kia vốn nhằm thúc đẩy sự hội nhập châu Âu - Địa Trung Hải, giờ đây không còn nhiều cản trở nữa. Cảng biển Piraeus dự kiến trở thành cảng biển lớn nhất tại Địa Trung Hải xét về lĩnh vực giao thương hàng hóa với kế hoạch của Trung Quốc biến Hy Lạp thành điểm đến chính cho hàng hóa xuất khẩu tới Bắc và Tây Âu thông qua lưu vực sông Danube.
Với mạng lưới vận tải "Một vành đai, Một con đường", Trung Quốc hy vọng sẽ làm hồi sinh các mối quan hệ văn hóa và kinh tế vốn đã được thiết lập dưới Con đường Tơ lụa nối liền Đông Á với châu Âu từ thế kỷ 15. Hệ thống vận tải này gồm hai tuyến đường chính: "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa", dự kiến sẽ nối miền Đông Trung Quốc với Tây Âu thông qua Trung Á và Đông Âu; và "Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21", một tuyến đường trên biển nối bờ biển phía Đông Trung Quốc với cảng Piraeus thông qua Hồng Hải và Địa Trung Hải.
Trong khi cảng Piraeus là điểm đến của Trung Quốc tại châu Âu, việc thiết lập một trục hàng hải giữa Piraeus và cảng Ashdod của Israel là trụ cột trong những tham vọng Địa Trung Hải của Trung Quốc. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi tháng 9/2014 thông báo rằng Công ty China Harbor, trụ sở ở Bắc Kinh, đã giành được hợp đồng trị giá 930 triệu USD xây dựng một cảng mới tại Ashdod vào năm 2020. Ashdod được coi là điểm chủ chốt trong Con đường Tơ lụa Trên biển, vì nó nằm ở đầu phía Bắc của dự án tuyến đường sắt vượt qua sa mạc Negev ở phía Nam của Israel và nối với cảng biển Eilat tại Hồng Hải. Bắc Kinh cũng đã nhất trí viện trợ một phần cho dự án đường sắt này thông qua Ngân hàng Phát triển Công nghiệp Trung Quốc (CDIB).
Một khi được hoàn tất, tuyến đường sắt của Israel giữa Eilat và Ashdod sẽ mang lại cho các nhà vận chuyển từ châu Á và châu Phi hướng tới Piraeus, một sự lựa chọn thay thế cạnh tranh hơn về giá cả so với Kênh đào Suez của Ai Cập. Dự án đường sắt của Israel cũng thậm chí mở rộng tầm với từ Eilat tới Aqaba của Jordan, và tới Bán đảo Arập thông qua một hệ thống vận tải đường sắt khu vực tầm xa mà Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đã lên kế hoạch triển khai.
Trước khi vấn đề Piraeus được giải quyết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa hẹn sẽ đầu tư nhiều hơn vào Hy Lạp để giúp hồi sinh thỏa thuận về cảng biển này, và Bắc Kinh sẽ tìm kiếm những cách thức để cải thiện các mối quan hệ với chính phủ của Thủ tướng Tsipras nhằm gia tăng vị thế của mình tại Hy Lạp.
Lê Dương (P/v TTXVN tại Mỹ)